Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến lần hai vào dự thảo Thông tư 49, quy định về xây dựng của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trước đó tại dự thảo lần một, Bộ giữ quy định trạm thu phí cần cách nhau 70 km như hiện hành; việc xây dựng trạm cần lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội và người dân địa phương về vị trí đặt trạm.
Tuy nhiên, tại dự thảo lần hai, Ban soạn thảo đã bỏ nội dung quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí và yêu cầu lấy ý kiến người dân khi xây dựng trạm. Cụ thể, trạm thu phí trên quốc lộ cần phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội). Đối với đường địa phương, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải.
"Nên bỏ quy định"
Ban soạn thảo thông tư cho hay, việc bỏ quy định về khoảng cách trạm thu phí 70km là tiếp thu ý kiến của một số bộ ngành, địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, quy định khoảng cách 70km là gây khó khăn cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu hoàn vốn của dự án.
Ngoài ra, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định các dự án BOT đường bộ phải là tuyến mới, và để đầu tư một tuyến đường mới dài tối thiểu 70 km thì tổng mức đầu tư rất lớn, lãi suất biến động, thời gian thi công kéo dài, do đó các nhà đầu tư sẽ không tham gia.
Bộ Tài chính cũng góp ý, quy định khoảng cách 70km phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (thu phí theo lượt) song không phù hợp với các dự án thu kín (thu phí theo km). Ngoài ra, theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định về khoảng cách vị trí trạm thu phí.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, trước đây Bộ Tài chính quy định các trạm thu phí BOT phải đặt cách nhau tối thiểu 70 km để ngăn việc các trạm đặt gần nhau, tạo gánh nặng cho chủ phương tiện.
"Đó là do trước đây nhiều dự án BOT cải tạo tuyến đường độc đạo, người dân không có quyền lựa chọn. Hiện Bộ Giao thông chỉ cho phép làm BOT trên các tuyến đường mới, song song với đường cũ, nên quy định khoảng cách 70 km giữa các trạm không cần thiết", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh giải thích thêm, dự án BOT trên đường mới thì đặt trạm thu phí ở đầu đường hay cuối đường không quan trọng, "ví dụ các dự án cao tốc hiện nay đặt trạm thu phí ở đâu không ai thắc mắc".
"Cần giữ quy định để đảm bảo quyền lợi của người dân"
Trái với quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Chính phủ vẫn nên giữ quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí là 70 km để tránh trạm mọc lên quá dày đặc. Tuy nhiên, quy định này nên áp dụng với các dự án đầu tư đường dài trên 70 km, còn các dự án chỉ dài 40-50 km thì không cần thiết áp dụng.
Cũng góp ý vào dự thảo thông tư của Bộ, Sở giao thông Khánh Hòa cho rằng cùng với quy định cự ly tối thiểu 70km, Bộ nên bổ sung thêm quy định về khoảng cách giữa 2 trạm thu phí trên 2 tuyến đường gần kề nhau thuộc 2 dự án được đầu tư bằng hình thức BOT, để tránh trường hợp khoảng cách giữa các trạm này đặt quá gần nhau, gây bức xúc cho người dân.
Tương tự, UBND tỉnh Vĩnh Phúc góp ý, khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km; khoảng cách giữa 2 trạm thu giá bất kỳ phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 50 km.
Dự thảo thông tư 59 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ được lấy ý kiến đóng góp từ 8/5 đến 8/6, sau đó Bộ Giao thông hoàn thiện và ban hành.
Quy định hai trạm thu phí cách nhau tối thiểu 70 km từ Thông tư 159 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, ban hành năm 2013. Theo đó, Thông tư này quy định trường hợp nếu khoảng cách các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km thì trước khi lập trạm phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính, UBND các địa phương. |