![]() |
BYD từng chịu tác động bởi các chiến dịch "truyền thông bẩn" ở thị trường nội địa Trung Quốc |
Trong những tháng gần đây, một loạt các hãng xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc, bao gồm BYD, Li Auto, Zeekr, Deepal (thương hiệu xe điện của Changan Automobile) và nhiều hãng khác nữa, đã công khai lên án một hiện tượng gọi là “truyền thông bẩn” và bắt đầu áp dụng các biện pháp pháp lý, đồng thời treo thưởng lớn nhằm thu thập bằng chứng xác minh những người chịu trách nhiệm phát tán thông tin sai sự thực.
Truyền thông bẩn là gì?
Truyền thông bẩn hay “Black PR” (tiếng Trung: 黑公关) là hiện tượng chỉ các hành vi quan hệ công chúng phi đạo đức, như lan truyền thông tin sai lệch, phóng đại lỗi kỹ thuật, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ thương hiệu hoặc làm tổn hại đối thủ cạnh tranh. Các phương thức thường thấy bao gồm sử dụng tài khoản mạng xã hội giả, thuê đội ngũ phát tán tin tiêu cực và trả tiền cho những người có ảnh hưởng để tạo dựng dư luận xấu.
Hiện tượng này ngày càng phổ biến trong thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc. Nó không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn phá vỡ trật tự cạnh tranh lành mạnh, làm tổn hại đến toàn ngành.
Theo các chuyên gia, chỉ một tháng bị truyền thông tiêu cực cũng có thể khiến một hãng xe mất hàng tỷ nhân dân tệ doanh thu bán hàng. Một giám đốc điều hành thậm chí đã tiết lộ rằng “trì hoãn đối thủ một ngày bằng các chủ đề tiêu cực trending trên mạng xã hội cũng có thể giúp giành thêm cả nghìn đơn đặt hàng”.
Biện pháp ứng phó của các hãng xe Trung Quốc
Mới đây, Deepal Automotive đã tuyên bố thành lập “Quỹ bảo vệ quyền lợi thương hiệu”, treo thưởng lên đến 5 triệu nhân dân tệ (xấp xỉ 18 tỷ đồng) cho những ai cung cấp bằng chứng xác thực về hành vi vu khống hoặc truyền thông bẩn. Avatr (một thương hiệu con khác của Changan) cho biết rằng họ đã nhận được gần 200 lời tố giác kể từ khi ra mắt kế hoạch chống truyền thống bẩn trong tháng 4/2025.
Các hãng xe khác hiện cũng đang đưa ra hành động tương tự. Zeekr cam kết xử lý nghiêm đối tượng vi phạm và treo thưởng cao cho người tố giác. Nio cũng kêu gọi người dùng báo cáo hành vi xấu với tiền thưởng từ 10.000 đến 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng đến 3,6 tỷ đồng).
![]() |
Nhiều hãng xe điện Trung Quốc, bao gồm Nio, đang treo thưởng lớn để thu thập bằng chứng chống hành vi "truyền thông bẩn" |
BYD, gã khổng lồ của ngành xe điện Trung Quốc, thực tế đã bắt đầu cuộc chiến chống truyền thông bẩn của mình từ năm 2021. Hãng đã khởi kiện nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng và tài khoản mạng xã hội tự truyền thông (một thuật ngữ chỉ các blogger độc lập với lượng người theo dõi lớn), trong đó có vụ kiện nổi bật chống lại tài khoản tên “Longzhu-Jiche”, với phán quyết bồi thường thiệt hại lên tới hơn 2 triệu nhân dân tệ.
Không những vậy, BYD còn công khai danh sách các tài khoản truyền thông bẩn mà hãng cho rằng đã nhiều lần phát tán nội dung mang tính bôi nhọ thương hiệu. Danh sách này được cập nhật theo thời gian thực.
Vì thị trường cạnh tranh lành mạnh
Tình trạng truyền thông bẩn ở thị trường xe Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng đến mức nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Nio, Lý Bân, chia sẻ rằng “làm truyền thông bẩn còn dễ kiếm tiền hơn cả sản xuất xe”. Một số người trong ngành tiết lộ rằng một số gói truyền thông bẩn hiện nay có giá từ vài chục nghìn nhân dân tệ, cam kết giúp khách hàng tạo chủ đề trên mạng xã hội. Nếu nội dung được đẩy lên top tìm kiếm thì giá còn cao hơn, và tất cả đều được niêm yết công khai.
Sự gia tăng của truyền thông bẩn trong ngành xe điện Trung Quốc phản ánh một mặt tối của cuộc cạnh tranh khốc liệt. Khi thị trường trị giá hàng chục tỷ USD này tiếp tục phát triển, một số bên hoặc các công ty PR bên thứ ba mà họ thuê đã và đang không ngần ngại sử dụng “vũ khí truyền thông” để giành lợi thế.
Tuy nhiên, các dấu hiệu hiện tại đang cho thấy nỗ lực cải thiện rõ rệt. Hồi năm 2023, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) đã phối hợp với 14 hãng xe cùng ký cam kết không sử dụng những hành vi liên quan truyền thông bẩn. Gần đây hơn, tại Diễn đàn EV100 Trung Quốc năm 2025, một quan chức từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết phải chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong ngành, từ hành vi bôi nhọ ác ý đến quảng cáo sai sự thật.
Giới chuyên gia khuyến nghị rằng các cơ quan quản lý cần tăng cường thực thi pháp luật và áp dụng hình phạt mang tính răn đe đối với những vụ việc điển hình. Đồng thời, các hiệp hội ngành nghề cũng có thể thiết lập thỏa thuận tự giác để kiềm chế các hành vi tiếp thị sai lệch và khôi phục thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Duy Thành