Chú ý khi cho trẻ băng qua đường! Sang đường không quan sát, xe máy "giỡn mặt tử thần" Tránh người đi đường, xe khách va chạm xe công dẫn đến phát hỏa Hành xử nào cho người đi bộ qua đường? |
Tại đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội), thay vì sang đường nơi có vạch kẻ đường, nhiều người dân sinh sống quanh đây thường đi bộ băng qua dải phân cách. Tình trạng trên diễn ra chủ yếu vào hai khung giờ từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 17 giờ, khi phụ huynh đưa đón các cháu nhỏ tới trường mầm non nằm phía đối diện.
Đường Cổ Linh là tuyến đường mới, góp phần kết nối mạng lưới giao thông giữa cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì, tạo sự liên thông với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, mật độ xe ô tô di chuyển trên cung đường này khá cao. Việc sang đường không đúng nơi quy định khiến các phương tiện lưu thông trên tuyến đường Cổ Linh nhiều lúc phải giảm tốc độ đột ngột, gây nguy hiểm cho cả phương tiện và người đi bộ.
Anh Nguyễn Văn Thành (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết: “Tôi làm việc tại khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) nên thường xuyên đi qua đường Cổ Linh. Có lần, tôi đã phải phanh xe gấp do bất ngờ nhìn thấy một phụ nữ dắt theo hai trẻ nhỏ chừng 4-5 tuổi qua đường. Nếu lúc đó tôi không bình tĩnh kịp thời xử lý thì hậu quả sẽ rất khó lường”.
Cách đó vài trăm mét, cũng trên tuyến đường Cổ Linh, tình trạng người dân băng qua dải phân cách sang đường vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên diễn ra khá thường xuyên.
Trên tuyến đường này, cơ quan chức năng đã lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và sơn vạch kẻ đường cho người đi bộ nhưng dường như những tín hiệu giao thông này không được người đi bộ quan tâm.
|
Theo ghi nhận của chúng tôi, lý do khiến người dân sang đường không đúng nơi quy định là vì thói quen muốn nhanh và tiện. Bạn Trần Ngọc Chung (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Em thường cùng bạn bè sang Aeon Mall bằng xe buýt nhưng điểm dừng xe buýt cách khá xa nơi có đèn xanh đèn đỏ. Nếu đi bộ đến đúng vị trí được phép rồi mới sang đường sẽ mất thời gian, đặc biệt là khi trời nắng càng không muốn đi bộ một quãng đường xa”.
Để bảo đảm thuận lợi, an toàn, nhiều công trình cho người đi bộ sang đường như cầu vượt, hầm đường bộ đã được ngành giao thông quan tâm đầu tư, xây dựng và lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông...
Tuy nhiên, quy định nhiều khi vẫn bị người đi bộ phớt lờ. Lực lượng chức năng cũng không thể bao quát và xử lý hết các trường hợp vi phạm, điều quan trọng nhất là bản thân người đi bộ cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để bảo vệ an toàn cho mình và những người xung quanh, tạo nét đẹp trong văn hóa giao thông.