Ngày 8/6, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Không cấm tổ chức kinh doanh vận tải, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện tham gia kiểm định
Trong nghị định 30/2023 bổ sung đáng chú ý nhất là đã bỏ đi nội dung "đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới". Như vậy khi tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Như vậy, từ sau nghị định 30/2023 ban hành không hạn chế các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô tham gia vào hoạt động kiểm định xe cơ giới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Việc bỏ quy định trên để ngành đăng kiểm có thể huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội như cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô… tham gia dịch vụ kiểm định xe.
Nghị định mới cũng cho phép trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu thì cho phép huy động nhân lực của lực lượng công an và quân đội tham gia hỗ trợ.
Đồng thời bỏ quy định giới hạn số lượng xe được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (trong 8 giờ làm việc) tại các trung tâm đăng kiểm. Nhằm tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định, nâng cao năng suất lao động…
Về điều kiện đăng kiểm viên, nghị định không còn bắt buộc mọi học viên có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên mà phép học viên đã làm việc 12-24 tháng tại cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô chỉ cần thực tập 6 tháng, làm việc trên 24 tháng thì thực tập 3 tháng.
Hoạt động kiểm định phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.
Tam Phong