Sẽ làm rõ trong báo cáo tiền khả thi
Trong Văn bản 5037/UBND-KH&ĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình dự kiến sử dụng vốn ODA Nhật Bản, được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách để chuẩn bị đầu tư và thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.
Sau khi hoàn thành theo quy hoạch, tuyến đường sẽ kết nối các khu vực tập trung dân cư lớn của Hà Nội, là Khu đô thị mới phía Bắc sông Hồng, Sân bay quốc tế Nội Bài, các khu đô thị cổ, cũ, mới phía Nam sông Hồng đến Thượng Đình...; đóng góp tích cực vào phát triển mạng lưới giao thông công cộng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện điều kiện môi trường, an toàn giao thông và đặc biệt phù hợp với chủ trương hạn chế xe máy khu vực nội thành sau năm 2030.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh minh họa: Internet |
Theo đề xuất lập tháng 3-2017, tổng mức đầu tư dự án dự kiến 34.743 tỷ đồng (căn cứ báo cáo nghiên cứu năm 2012), với chiều dài 5,9km đi ngầm, ước tính chi phí đầu tư trung bình là 5.888 tỷ đồng/km (tương đương khoảng 259 triệu USD/km tính theo tỷ giá hiện nay). Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư. Từ đó đề xuất tổng mức đầu tư là gần 29.000 tỷ đồng, giảm hơn 5.800 tỷ đồng so với dự toán đề xuất trước đó.
"Việc làm rõ căn cứ suất đầu tư và tổng mức đầu tư, cũng như rà soát, loại bỏ các chi phí không thực sự cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả của dự án sẽ được phân tích, đánh giá trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định.
Nằm trong hạn mức vay dự kiến
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) làm rõ thêm, việc giảm chi phí là do đơn giá xây dựng, nhân công, máy thi công được cập nhật thời điểm tháng 5-2017 thay vì tháng 6-2012. Các chi phí liên quan khác tham khảo đơn giá của Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (TP Hà Nội), là dự án có mức giá thấp hơn tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh); và được khái toán nhiều hạng mục theo chi phí của Dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do gần đồng nhất về tỷ giá, công nghệ và thời điểm xây dựng. Tuy nhiên, giá trị tổng mức đầu tư trên mới chỉ là dự kiến, sau khi hoàn thành thiết kế cơ sở và nghiên cứu khả thi thì mức đầu tư mới được xác định chính thức.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (hiệu lực từ năm 2017), quy định giới hạn vay của ngân sách địa phương được tính trên số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Đồng thời, theo quy định tại Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, mức dư nợ vay của ngân sách không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Như vậy, mức dư nợ huy động tối đa của Hà Nội năm 2017 vào khoảng 53.000 tỷ đồng và thành phố có mức tăng trưởng dự kiến trung bình 9%/năm. Đến giai đoạn 2021-2025, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố dự kiến khoảng 80.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, Hà Nội dự kiến triển khai 2 tuyến đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA theo cơ chế vay lại, là tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (vốn ODA vay lại ước tính 19.436 tỷ đồng) và tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (vốn ODA vay lại ước tính 18.649,4 tỷ đồng). Như vậy, tổng vốn ODA vay lại của 2 dự án nói trên là 38.130,4 tỷ đồng, nằm trong hạn mức vay dự kiến giai đoạn 2021-2025 của TP Hà Nội.
Hà Nội sẽ điều hành cân đối các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2020-2030 để bảo đảm việc vay vốn cho dự án không làm tổng dư nợ của thành phố vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương theo quy định. Các phương án về vay vốn và trả nợ sẽ được tính toán cụ thể trong các giai đoạn sau.