Có thể khẳng định Ranger Raptor sở hữu năng lực và phẩm chất thực sự khác biệt với Ranger tiêu chuẩn, điều khiến Kĩ sư trưởng của chương trình Ranger Raptor, ông Damien Ross, phải thốt lên rằng: "Đây là chiếc xe hòa quyện giữa mô tô địa hình với xe đa địa hình ATV, trong khuôn hình của một chiếc bán tải!".
Khung gầm được gia cố để chịu tải tốt hơn
Nếu chỉ nhìn thoáng qua, khung gầm của Ranger Raptor rất giống với Ranger thường. Tuy nhiên để đảm bảo khả năng chịu tải trên một mẫu xe hiệu năng, Ford buộc phải gia cố thêm một số chi tiết. Trong đó nổi bật hơn cả là việc tăng cường cứng vững cho hai thanh sườn, gia cố các khớp nối và bổ sung thêm thanh bắt chéo ở giá giữ bánh xe dự phòng nhằm đảm bảo khả năng giữ các bánh xe với lốp địa hình cỡ lớn (vốn là thứ tay chơi nào cũng hướng tới sở hữu).
Nhiều chi tiết trên khung gầm Ranger Raptor được gia cố tốt hơn bằng thép siêu cứng (HSLA), đặc biệt là ở hai khung dọc chính. |
Giá trị hơn, toàn bộ gầm xe giờ đây cũng được bổ sung tấm chắn (đặc biệt là phần mũi) nhằm hạn chế các “vật thể lạ” trong các hành trình chinh phục địa hình có thể gây hại cho động cơ, vi sai trước, hệ thống tản nhiệt và thước lái trợ lực điện.
Trái với nhiều quan điểm cho rằng tấm chắn chỉ để "làm cảnh", với độ dày 2,3mm và vật liệu hợp kim nhôm siêu cứng (đủ để chịu 84.000 lần lực tác động lên tới 100kg), tấm chắn được mạ phủ bảo vệ 2 bước nhằm chống chọi tốt hơn với lực tác động, trầy xước, rỉ sét... Đây thực sự sẽ là phụ kiện đầy giá trị của xe bởi lẽ nó không chỉ bền cứng mà còn nhẹ hơn so với các giải pháp "ngoài", không khiến chiếc xe trở nền nặng nề hơn.
Ốp gâm của Raptor dày tới 2,3mm và cấu thành từ vật liệu hợp kim thép siêu cứng. |
Ngoài ốp gầm, Ford cũng bổ sung thêm móc tời kép với sức tải lên tới 4.500kg.
Kích thước thay đổi đáng kể
Theo số liệu mà Ford đưa ra, Ranger Raptor cao thêm 52mm (lên 1.873mm), rộng hơn 320mm (lên 2.180mm) và ngắn hơn 28mm (còn 5.398mm) so với Ranger tiêu chuẩn. Để tăng cường độ bám đường khi vào cua ở tốc độ cao, Ford đã tăng khoảng cách giữa hai bánh (ở cả cầu trước và cầu sau) của Ranger Raptor thêm 150mm. Đây là con số không nhỏ với một chiếc bán tải gầm vốn đã cao nay lại tăng thêm nhằm đáp ứng hành trình dài hơn của giảm xóc mới (khoảng sáng gầm lên 283mm). Việc tăng hành trình giảm xóc và vành lốp cỡ lớn cũng là yếu tố khiến Ford mở rộng vè lốp kèm tấm ốp gia cố.
Ranger Raptor có góc tới 32,5 độ, góc thoát 24 độ và góc vượt đỉnh dốc 24 độ (tốt hơn Ranger tiêu chuẩn). |
Động cơ với chu kỳ bảo dưỡng dài hơn bình thường
Trong khi hầu hết người dùng đều đã biết tới sự hiện diện của động cơ dầu bốn xy lanh 2.0L tăng áp kép mới (thuộc dòng EcoBlue, nhóm Panther lần đầu xuất hiện tại Châu Á - Thái Bình Dương), cho công suất 216 mã lực, mô men xoắn cực đại 500 Nm (cao hơn so với mức chỉ 470Nm của động cơ 5 xy lanh 3.2L hiện nay), tốc độ tua máy tối đa 4.500 vòng/phút. Tuy nhiên, khác biệt đáng quan tâm nhất chính là việc động cơ mới này được chế tạo với những tiêu chuẩn vận hành bền bỉ khắt khe hơn nhiều, nhằm đảm bảo khả năng chinh phục địa hình của Ranger Raptor ngay cả tại những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Ít ai để ý rằng động cơ mới trên Ranger Raptor được chế tạo theo hướng bền bỉ hơn rất nhiều so với những gì người dùng đang có hiện nay. |
Đây là hệ quả thú vị của việc chiếc Raptor mới được phát triển và thử nghiệm tại địa hình sa mạc cát Australia, nơi sẽ là thị trường chủ lực của xe. Việc được chế tạo chính xác và đóng kín cũng cho phép kéo dài chu kỳ bảo dưỡng của động cơ mới, tạo ra lợi thế rất lớn của Raptor so với các dòng bán tải “thường thường bậc trung” khác trên thị trường hiện nay. Một điều đáng tiếc là trước câu hỏi về mức tiêu thụ nhiên liệu, đại diện của Ford chỉ cho biết sẽ công bố vào gần thời điểm chiếc xe được tung ra thị trường.
Tăng áp kép Bi-Turbo với cơ chế điều khiển độc lập
Để đạt được mức công suất ấn tượng đối với một cỗ máy dầu bốn xy lanh 2.0L như ở Ranger Raptor, hiển nhiên Ford phải viện đến công nghệ tăng áp kép. Tuy nhiên, bản thân việc chọn lựa và bố trí tăng áp trên xe mới cũng có nhiều điều thú vị. Hệ thống tăng áp kép của Ranger Raptor gồm một tăng áp cỡ lớn (điều khiển bằng waste gate) nhằm đảm bảo hiệu năng, và một tăng áp biến thên cỡ nhỏ (điều khiển điện).
Đây là kết cấu nhằm giảm thiểu độ trễ tăng áp, tăng tính linh hoạt trong điều khiển xe ở nước ga đầu, trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng vận hành cao khi tài xế đạp “lút ga”. Tương tự như với bộ tăng áp của động cơ EcoBoost, bộ tăng áp trên động cơ 2.0L mới cũng sử dụng vật liệu siêu bền, được Ford tối ưu hóa về ma sát và nhiều đặc tính kĩ thuật khác (dầu, bơm dầu làm mát…) nhằm đạt hiệu suất vận hành tối ưu.
Hệ thống tăng áp kép Bi-Turbo trên động cơ dầu diesel 2.0L mới của Ranger Raptor. |
Sự hiện diện của hệ thống tăng áp kép tiên tiến cũng tạo ra sự tự tin cần thiết để Ford đưa động cơ bốn xy lanh thẳng hàng với dung tích chỉ 2.0L lên một chiếc bán tải, điều mà trước đây hầu như ai cũng nghi ngại. Việc sử dụng động cơ nhỏ cho phép cắt giảm trọng lượng tới 40kg so với phiên bản 5 xy lanh thẳng hàng 3.2L hiện nay, trong khi vẫn đạt công suất tốt hơn như đề cập ở trên. Đáng giá hơn nữa, Ranger Raptor hiện đã đạt chuẩn khí thải Euro 5, và có khả năng nâng cấp để đạt chuẩn Euro 6 khi cần thiết. Đây là điều kiện quan trọng để xe có thể tiếp cận người tiêu dùng ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ hay Châu Âu.
Hộp số Getrag 10R80 tương tác tối ưu với động cơ mới
Dù động cơ của Ranger Raptor không vượt hẳn so với phiên bản 3.2L trên Ranger thường, nhưng Ford khẳng định độ “bốc” và tính linh hoạt đều tốt hơn, chính là nhờ sự hiện diện của hộp số tự động 10 cấp hoàn toàn – vốn là sản phẩm đến từ mối quan hệ hợp tác giữa GM và Ford. Hộp số với hộp số phụ sức kéo cao (low-range transfer case) đang được triển khai trên F-150 Raptor.
Bên cạnh số cấp chuyển nhiều đem tới sự mượt mà, việc phân bổ các cấp của hộp số mới được tối ưu riêng cho động cơ mới của Ranger Raptor, theo hướng đảm bảo luôn “chạm mốc” công suất tối đa trong việc truyền lực kéo tới các trục bánh xe ở mọi giai đoạn vận hành. Đặc điểm này sẽ thể hiện rất rõ khi chiếc xe được vận hành dưới tay một tài xế giàu kinh nghiệm.
Hộp số 10 cấp cũng có mặt trên F-150 Raptor và sẽ hiện diện cả trên thế hệ Mustang tiếp theo. |
Bên cạnh đó, sự hiện diện của một bơm dầu bôi trơn đặc biệt trong hộp số cũng đảm bảo các bánh răng luôn được bôi trơn vừa đủ, không quá nhiều dầu để gây “ì”, nhưng cũng không thiếu để hạn chế tình trạng suy giảm hiệu năng và hao mòn. Đặc biệt hơn cả là sự hiện diện của ly hợp xoay một chiều giúp thời gian chuyển số thấp rút ngắn đáng kể, cải thiện khả năng vận hành trong các tình huống “vượt cạn” hoặc dồn ga tăng tốc.
Những tinh chỉnh tối ưu về linh hoạt như vậy cho phép Ford tự tin không cần tới chế độ Sport "nửa mùa" cho Ranger Raptor. Bởi lẽ, hộp số của xe mặc định đã vận hành không khác gì một hộp số thể thao chuyên dụng, trong khi lại vẫn đảm bảo được độ êm ái cần thiết.
Tương tự như động cơ, hộp số của Ranger Raptor cũng được chế tạo đặc biệt để đảm bảo vận hành bền bỉ hơn hẳn những gì người dùng đang có trên xe “thường”. Thú vị hơn, hộp số này cũng sẽ là lựa chọn xuất hiện trong Mustang 2018, khi chiếc xe thể thao mang tính biểu tượng cao này ra mắt vào cuối năm nay.
Trao đổi với ông Damien Ross về hộp số của Ranger Raptor. |
Hệ dẫn động bốn bánh “mượn” tính năng của F-150 Raptor
Dù vẫn sở hữu hệ dẫn động hai cầu như Ranger thông thường, Ranger Raptor lại mượn nhiều tính năng vận hành từ đàn anh F-150 Raptor, trong đó có cả hệ thống thay đổi 6 chế độ lái với lựa chọn đua trên cát Baja (Baja Sand Racing). Đây là thay đổi rất lớn so với những mẫu bán tải “độ decal” đến từ các đối thủ khác hiện nay như Colorado Z71 hay Hilux TRD.
Ranger Raptor có hệ dẫn động và trang thiết bị phù hợp cho "Extreme Off-road Speed". |
Baja Sand Racing sẽ giảm tác động từ các hệ thống kiểm soát độ bám đường và ổn định thân xe, trao quyền làm chủ cho người cầm lái nhiều hơn. Chế độ này cũng đồng thời thay đổi cơ chế chuyển số của hộp số để tối ưu cho vận hành trên đường đua. Hộp số sẽ ưu tiên giữ số thấp, đồng thời giảm số sớm hơn khi tài xế cố gắng chinh phục các cung đường địa hình trong thời gian ngắn nhất.
Lốp BF Goodrich đa địa hình và phanh hiệu năng cao hơn
Ford trang bị cho Ranger Raptor vành 17 inch và lốp BF Goodrich All-Terrain kích thước 285/70. Song song với đó là bộ phanh hiệu năng tốt hơn với cụm phía trước sở hữu piston kép (với bề mặt cũng lớn hơn so với của Ranger thường) và đĩa 332mm, trong khi cụm sau sở hữu piston đơn và cùng đĩa phanh 332mm. Đáng kể hơn, hệ thống trợ lực phanh trên cũng được nâng cấp để cải thiện đáng kể hiệu năng. Đây là thay đổi rất quan trọng, khong chỉ đảm bảo an toàn mà còn tăng cường hiệu quả chinh phục đường đua cho một chiếc xe như Raptor.
Vành 17 inch của Ranger Raptor "mượn" y hết từ F-150 Raptor. |
Kết nối Watts: bí quyết hệ thống treo của Ranger Raptor
Đây là một trong số ít những mẫu bán tải sở hữu kết nối Watts ở cầu sau, với nhiệm vụ hạn chế hiện tượng trục sau xe lắc sang hai bên, trong khi vẫn đảm bảo khả di chuyển theo chiều dọc để đảm bảo vận hành. Không xuất hiện phổ biến, nhưng kết nối Watts (vốn được xem là sự cải thiện lớn với trục Panhard thường thấy trên nhiều mẫu xe thương mại) là thứ không thể thiếu cho những mẫu xe hiệu năng cao, và là thứ bất cứ người đam mê cảm giác lái nào đều mong muốn sở hữu.
Kết nối Watts của Ranger Raptor vốn cũng được ứng dụng trên Everest thế hệ mới, nhưng với đô bền bỉ và thiết lập có khác biệt. |
Về kết cấu, kết nối Watt gồm 2 trục cứng, kết nối với một trục thẳng đứng có thể di chuyển lên xuống. Trục này sau đó lại kết nối vào cầu sau. Khi thân xe di chuyển lên hoặc xuống trong quá trình vận hành, các trục nói trên sẽ xoay quanh một điểm duy nhất, giữ cho cầu sau không lắc sang hai bên dẫn tới những cộng hưởng ngoài ý muốn.
Cơ chế như vậy giúp xe ổn định và chắc chắn hơn rất nhiều, đặc biệt là khi băng qua các chướng ngại vật nổi trên địa hình, từ đó tăng cường khả năng làm chủ tình huống của người cầm lái. Không chỉ riêng gì xe địa hình như Ranger Raptor, kết nối Watts thậm chí được trang bị cho các xe đua drag chuyên dụng nhằm đảm bảo độ ổn định khi tăng tốc cực nhanh trên đường thẳng.
Kết nối Watts của Ranger Raptor nhìn từ phía trên. |
Ngoài vận hành, sự hiện diện của kết nối Watts cũng giúp tăng cường độ bền cho cầu sau của xe (do ít bị rung lắc va đập ngang). Nói cách khác, cơ chế này giúp trung hòa được đặc tính bền bỉ của cầu cứng và những ưu việt của cầu mềm, rất phù hợp để triển khai trên một chiếc bán tải đa dụng hiệu năng cao như Ranger Raptor.
Hơn thế nữa, việc các kĩ sư phát triển Ranger Raptor quyết định triển khai kết nối Watts ngay từ giai đoạn lên kế hoạch cũng tạo tiền đề để họ rộng tay hơn trong việc tùy chỉnh lò xo và giảm xóc của hệ thống treo, mà ở đây chính là “hàng độc” FOX.
Thụt treo chuyên dụng FOX Racing 46,6mm
Trao đổi với phóng viên, Kĩ sư trưởng Ford Performance Jamal Hameedi nhấn mạnh, giảm xóc - đặc biệt là giảm xóc sau của Ranger Raptor - là nâng cấp đắt tiền nhất, đồng thời là điểm mạnh và quan trọng nhất cho phép Raptor làm được những điều khác biệt thực sự với Ranger thường, đặc biệt là ở tốc độ cao. Quan sát thực tế trên xe mới, có thể thấy sự hiện diện hệ thống tay đòn nhôm đúc, thụt lò xo với cơ chế bảo vệ tích hợp bên trong (Internal Bypass System), và bình chứa dầu giảm xóc độc lập nằm ngoài đều do FOX chế tạo.
Hãy luôn nhớ rằng Ranger Raptor là một cỗ máy với năng lực chinh phục đường đua việt dã ở tốc độ cao. |
Được đặt tên Positive Sensitive Damping, thụt nhún của FOX có khả năng triệt tiêu chấn động tối đa trong các tình huống nhún hoặc rơi, và triệt tiêu ở mức thấp hơn khi di chuyển thông thường nhằm hạn chế tình trạng bồng bềnh.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là điểm khởi đầu. “Bí mật” lớn nhất ở hệ thống treo FOX Racing trên Ranger Raptor chính là việc các trụ thụt trước thò ra ngoài, trong khi thụt lò xo sau hướng ra phía ngoài cho thấy chiếc xe sẵn sàng cho những cú nhảy vượt chướng ngại vật ở tốc độ cao – thiết kế chưa từng có ở các mẫu bán tải dân dụng cỡ nhỏ cho tới nay. Kích thước piston 46,6mm cũng cho thấy khả năng chịu đựng tốt trong các hành trình đua địa hình kéo dài, đồng thời góp phần nâng cao năng lực của hệ thống bảo vệ tích hợp độc quyền của FOX.
Thụt nhún FOX Racing 46,6mm. |
Hệ quả của sự "song kiếm hợp bích" này là việc Ford tự hào tuyên bố ngay cả những trải nghiệm đường phẳng của Ranger Raptor cũng sẽ tốt hơn so với Ranger 4x4 tiêu chuẩn.
Phụ kiện Raptor sẽ không tương thích với Ranger “thường”
Một trong những thú vui của những người chơi xe là mua các loại phụ kiện của phiên bản thể thao hoặc cao cấp, để “độ” vào phiên bản cấp thấp nhằm tiết kiệm chi phí nhưng vẫn có được sự hào nhoáng hoặc công năng mình mong muốn. Tuy nhiên, thực tế vốn đã xảy ra với Ranger Wildtrak và Ranger thường này sẽ không thể tái diễn trên Raptor, bởi hầu hết các phụ kiện đều không tương thích với nhau, kể cả những món thẩm mĩ bên ngoài như cản trước, ca lăng, ốp hốc lốp hay ốp bảo vệ gầm.
Phụ kiện của Raptor sẽ không vừa với Ranger tiêu chuẩn. |
Rõ ràng, đây là một tin buồn cho các tín đồ chơi xe, nhưng lại là đặc điểm khẳng định chất “gen” riêng của mẫu bán tải hiệu năng cao này. Thực tế, nhiều phụ kiện cũng đem tới những cải thiện đáng kể mà Ranger thường chưa thể có được, điển hình là thiết kế phần mũi giờ đây có nhiều thay đổi khí động học chẳng hạn.
Ghế ngồi mới tối ưu cho tình huống xe vượt địa hình ở tốc độ cao
Một trong những phàn nàn của người dùng về Ranger chính là ghế ngồi tuy rất đẹp mắt nhưng có phần hơi khó chịu khi ngồi lâu hoặc di chuyển trên đường xấu. Điều này sẽ càng “nguy hiểm” với một chiếc xe thiên về chinh phục địa hình ở tốc độ cao như Ranger Raptor.
Ghế mới của Ranger Raptor. |
Chính vì vậy, để bảo đảm tối ưu vị trí ngồi, Ford đã thiết kế lại hoàn toàn toàn bộ ghế của Raptor, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng hỗ trợ vai và hông nhằm giảm căng thẳng khi tài xế xoay xở xử lý liên tục trong thời gian dài.
Khoang lái của Ranger Raptor được Ford Performance tái thiết kế, với điểm nhấn nằm ở ghế hoàn toàn mới. |
Hai chi tiết nhỏ đáng hoan nghênh cũng nằm ở nội thất chỉ xanh lam chưa từng có trên bất kì phiên bản Ranger nào khác, cùng với điểm đánh dấu ở đỉnh vô lăng (cho phép người lái cảm nhận vị trí của bánh mỗi khi chiếc xe văng qua ổ gà hay gờ đường và rơi xuống trở lại mặt phẳng). Trong khi điểm thứ nhất chỉ cải thiện về thẩm mỹ, điểm thứ hai là thứ đáng có với một mẫu xe gầm cao thiên về tốc độ như thế này.
Nhìn chung, việc một phiên bản hiệu năng cao có sự khác biệt so với chiếc xe tiêu chuẩn là điều không quá lạ. Tuy nhiên những gì Ford thực hiện với Ranger Raptor cho thấy hãng xe Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc tạo ra một chiếc bán tải đáp ứng niềm đam mê của giới yêu xe bán tải "off-road". Việc tinh chỉnh mọi thành phần một cách đồng bộ, có khoa học, với nguồn lực mạnh mẽ từ "chính hãng" cũng tạo ra một cỗ máy đầy hấp dẫn.
Với tiền đề tốt như vậy, giờ đây chỉ cần một mức giá phù hợp, rất có thể nhiều tay chơi sẽ sẵn sàng vứt bỏ chiếc xe hiện có của mình để "lên đời" nhằm duy trì vị thế dẫn đầu của mình trong các cuộc so tài.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh