Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 'Ai được hưởng lợi?' Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô vì lượng xe tồn kho tăng cao Ô tô Việt "không có cái nào ra hồn" |
Hôm kia, có tin Thủ tướng đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội, đăng ký mới tới cuối năm. Bà con mừng rơn, riêng thằng cu em vừa đi đăng ký xong cái Accent mặt tái dại, thất thần. Rồi hôm qua, lại có tin Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng cái đó còn phải chờ đưa ra Quốc hội (QH) duyệt.
Thế là cả làng cãi nhau ầm lên. Ông bảo Thủ tướng thừa quyền, ông bảo QH mới quyết được. Thương bà con, em lọ mọ đêm hôm uống nhầm rượu sâm mắt trố như ốc nhồi ngồi biên mấy chữ hầu làm rõ vấn đề. Giải thích khá chi là dài dòng. Ai quan tâm thì từ từ đọc, ai lười thì nhảy xuống dưới chốt cho nhanh.
Đầu tiên phải nắm được tên gọi đầy đủ của trước bạ là LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ. Không phải thuế, cũng chẳng phải phí. Việt Nam có hẳn một luật riêng gọi là Luật Phí và Lệ phí (ở đây trích dẫn luật 2015).
Thế PHÍ VÀ LỆ PHÍ khác gì nhau?
Theo Luật Phí và Lệ phí 2015, nôm na hiểu như sau: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí khi sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức nhà nước giao cung cấp dịch vụ đó. Ví dụ, vợ chồng bạn đi mua một căn hộ Kokobay thì phải chịu đóng phí công chứng (khôn thì ép mấy bạn môi giới chịu cho mình phí này, giờ dự án phá sản rồi cũng đỡ tiếc vài triệu). Phí công chứng thay đổi theo giá trị nhà đất.
Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi dùng dịch vụ công của cơ quan nhà nước, phục vụ công việc quản lý nhà nước. Ví dụ phí trước bạ. Điểm khác biệt quan trọng nằm ở chỗ lệ phí được quy định trước, theo tỷ lệ phần trăm. Có nghĩa là xe 1 tỷ hay 10 tỷ thì vẫn thu chừng ấy % mà thôi.
Thế còn LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ là gì? Là khi cá nhân, tổ chức nộp muốn đưa vào sử dụng một sản phẩm thì phải nộp vào ngân sách nhà nước (thông qua cơ quan thuế) một khoản tiền đăng ký sở hữu, tiền ấy chính là lệ phí trước bạ. Nói nôm na nó là đóng tiền lệ phí quản lý.
Hiện ở Việt Nam có 8 nhóm mặt hàng phải chịu lệ phí trước bạ, trong đó có những mặt hàng phải nộp lệ phí trước bạ rất cao, như ô tô có mức chung tới 10%. Chưa kể người đăng ký sở hữu ô tô còn phải nộp một khoản lệ phí cấp biển. Về bản chất đây mới là đúng là lệ phí đăng ký quyền sở hữu. Điều đó dẫn đến câu hỏi rằng lệ phí trước bạ như vậy có phải còn có tác dụng của một dạng thuế tài sản, với mục tiêu phân phối lại thu nhập? Hay còn là một dạng tận thu trên tài sản của cá nhân, tổ chức?
Tạm thời bỏ qua chủ đề này, quay trở lại với vấn đề về lệ phí trước bạ đang bàn. Điều 17 Luật 2015 có nói rằng: “Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Phần này rất quan trọng. Vì nếu phải chờ QH duyệt mức giảm về lệ phí trước bạ, Chính phủ sẽ phải trình Uỷ ban thường vụ QH ở giữa 2 kỳ họp QH. Mà kỳ thứ 9 khoá XIV này mới khai mạc hôm qua và sẽ kết thúc vào 18/6. Có nghĩa sớm cũng phải tháng 7 mức giảm này mới đi vào thực tế.
Tuy nhiên, không cần rắc rối đến vậy, vì ngay điều 18 tiếp đó cho phép CP “Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền”. Theo Phụ lục danh mục Phí, Lệ phí đính kèm Luật 2015, lệ phí trước bạ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nghĩa là, thu tăng hay giảm bao nhiêu CP có thể quyết cắc cái cụp.
Nhưng vậy tại sao anh Dũng KH-ĐT lại trả lời phỏng vấn (Dân trí) rằng “Thủ tướng mới đồng ý về chủ trương để trình sang QH, đây mới chỉ là thống nhất chủ trương, còn thẩm quyền quyết định là QH. QH sẽ quyết định chứ không phải CP”.
Rất có thể phóng viên DT viết sai, có thể lắm chứ. Nhưng cũng hoàn toàn có thể lý do là như sau: Lệ phí trước bạ ô tô là phí nộp vào ngân sách Nhà nước khi chủ sở hữu đăng ký quyền sở hữu ô tô. Theo Điều 9 Luật 2015 về Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí thì “mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng TỶ LỆ PHẦN TRĂM TRÊN GIÁ TRỊ TÀI SẢN; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân”.
À ha, như vậy hình như chưa có đủ căn cứ theo luật để giảm 50% trước bạ chỉ cho xe lắp ráp trong nước? Nếu thế còn mỗi cách là đưa qua QH rồi hối thúc sửa nhanh nhanh lên. Nhưng sửa ở đây không phải là sửa mức thu phí 10% hay 5%, mà là sửa cái điều kiện căn bản để tính lệ phí. Mà sửa điều này lại không đơn giản tí nào.
Còn không sửa, thì đã giảm là phải giảm đều. C-Class được giảm thì 3-Series cũng được giảm. Lux SA được giảm thì X5 cũng được giảm. "Khó" - Nam Cường.
Nhưng vẫn chưa khó bằng các doanh nghiệp, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu. Hạ giá, khuyến mại các kiểu rồi nhưng bà con thì giờ lại hững hờ, khoan xuống tiền vì còn đang nhỏng cổ hóng trước bạ giảm rồi mới chịu mua xe cơ. Khổ thêm mấy anh bán xe cũ. Ôm đống hàng từ Tết đến giờ lại thêm cú này vào mặt. Có khi knock out luôn. Biết mai này rồi sẽ ra sao?
Mà thôi kệ, dù có ra sao cũng chả sao.
*Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ email: otofun@otv.vn
Ofer - Thanh Le