Công bố 11 số điện thoại "nóng" nhận phản ánh giao thông dịp Tết KIA Carens "thản nhiên" đi ngược chiều trên cầu Long Biên “Nóng” chuyện đi lại ngày giáp Tết |
Hà Nội: Tất cả đã sẵn sàng
Đại diện Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 637 tuyến vận tải, hoạt động tại 6 bến xe, với tổng số 4.751 chuyến/ngày. UBND thành phố và Sở GT-VT Hà Nội đã sớm chỉ đạo các đơn vị vận tải bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; huy động tối đa phương tiện phục vụ vận chuyển khách, không để khách tồn đọng tại các bến xe; không được tăng giá vé, không thu phụ phí…
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội tăng tần suất xe buýt để phục vụ hành khách tại các bến (trước và sau Tết) khi lượng khách tăng đột biến; điều chỉnh tổ chức giao thông, thu hẹp hàng rào thi công của các dự án trọng điểm, như đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long để hạn chế ùn tắc giao thông trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã xây dựng phương án bố trí 89 vị trí chốt trực, huy động 116 lượt người/ca trực để phân luồng bảo đảm giao thông vào các khung giờ cao điểm; tăng cường các tổ tuần tra xử lý tình trạng xe ô tô dừng đỗ trái phép gây ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, hiện các bến đang hoạt động bình thường. Trong thời gian cao điểm (ngày 27 và 28 tháng Chạp) lượng khách sẽ tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường. Với tình hình hiện tại, các phương tiện vận tải ở các bến đang hoạt động bình quân với khoảng 50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy, lượng xe về cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh (Nghệ An), Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra ùn ứ cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết lượng khách trong ngày.
Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) luôn đông nghẹt người những ngày giáp Tết. Ảnh: Hà Phạm |
Trong khi đó, theo ông Vũ Ngọc Kiểm, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 có 96 quầy thủ tục hàng không phục vụ chuyến bay quốc tế; Nhà ga hành khách T1 phục vụ chuyến bay nội địa duy trì 50 - 54 quầy tại sảnh A, B và 38 quầy tại sảnh E. Đồng thời bố trí 20 quầy tự động và dự phòng từ 3 đến 5 quầy di động để đáp ứng lượng khách tăng đột biến vào các khung giờ cao điểm. Về phương tiện kết nối, hiện có 8 tuyến xe buýt kết nối với trung tâm TP Hà Nội và 14 hãng taxi bảo đảm hoạt động 24/24 giờ để phục vụ hành khách.
“Tất cả các đơn vị vận tải mặt đất đã ký cam kết bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phương tiện vận tải phục vụ hành khách đi và đến trong giai đoạn cao điểm, đặc biệt đối với chuyến bay đêm muộn, trong các ngày lễ Tết” - ông Vũ Ngọc Kiểm nhấn mạnh.
Về đường sắt, theo đại diện Ga Hà Nội, trong cao điểm Tết Nguyên đán, Hà Nội chạy 28 đôi tàu/ngày đêm, riêng tuyến Thống Nhất là 17 đôi tàu/ngày đêm. Mỗi ngày bình quân đón và tiễn 14.000 hành khách. Ga Hà Nội cũng tính toán khi lượng khách tăng đột biến sẽ lập thêm các đoàn tàu hoặc nối thêm toa và có thể đáp ứng thêm 30% lượng khách.
TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực ở mức cao nhất
Theo dự báo của Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, tình hình đi lại tại các bến xe khách trên địa bàn thành phố trong đợt phục vụ Tết năm nay tăng khoảng từ 5 đến 10% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 130% so với ngày thường. Trong ngày cao điểm lượt hành khách xuất bến có thể đạt trên 130.000 lượt khách/ngày.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh tăng cường 80 xe buýt cho Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây; trong tình huống đột xuất sẽ tăng cường 120 xe buýt giải quyết tình hình tại các bến xe. Tại 4 bến xe lớn nhất trên địa bàn thành phố, gồm: Miền Đông, Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga, sẽ điều động gần 37.500 lượt xe, tăng 35% lượt xe so với ngày thường. Cùng với đó, giá vé xe khách tăng từ 20 đến 60% so với ngày thường để bù chiều chạy rỗng. Hiện các bến xe còn tồn đọng hơn 700.000 vé chưa bán, đáp ứng đủ nhu cầu hành khách đi lại.
Về đường hàng không, theo Cảng vụ Hàng không Miền Nam, ước tính sản lượng hành khách qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dịp Tết này đạt hơn 4,1 triệu hành khách, tăng 25% so với Tết Đinh Dậu 2017; trong đó, sản lượng hành khách khoảng hơn 134.000 hành khách/ngày, tăng khoảng 16.500 - 17.500 hành khách so với cùng kỳ. Giai đoạn cao điểm phục vụ Tết, từ ngày 30-1 đến 4-3, tần suất bay trung bình là 953 lượt chuyến/ngày (tăng 159 lượt chuyến so với cùng kỳ).
Đối với đường sắt, dịp cao điểm Tết từ ngày 2-2 đến 3-3 (ngày 17 tháng Chạp đến 16 tháng Giêng), ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh tổ chức chạy thêm 7 đôi tàu Thống Nhất và 2 đôi tàu khu đoạn. Ngoài ra, tổ chức chạy thêm 14 đôi tàu khu đoạn phục vụ hành khách đi du lịch từ Ga Sài Gòn đến các ga như: Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế...
Như vậy, đến thời điểm này, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chủ động và sẵn sàng các phương án để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.