Ách tắc tại Sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2017. Ảnh: Sỹ Lực. |
Hàng loạt giải pháp đang được dự kiến đưa ra nhằm giảm tải và áp lực tắc nghẽn giao thông cả đường bộ, đường hàng không trong dịp Tết Mậu Tuất này.
Không để thị trường tự phát
Ngày 30/1, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về vận tải, an toàn giao thông Tết Mậu Tuất 2018. Một trong những lo ngại lớn nhất được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Khuất Việt Hùng đưa ra là tình trạng ùn tắc tại Tân Sơn Nhất (TPHồ Chí Minh) cả trong và ngoài sân bay.
Cũng bàn về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh Bùi Văn Cường cho hay, muốn giải quyết vấn đề này, không chỉ riêng địa phương, trên phần đường bộ ngoài sân bay mà cần sự phối hợp, điều phối của cả ngành hàng không. Đại diện Cục Hàng không, Tổng Công ty Cảng Hàng không và Vietnam Airlines cũng trình bày nhiều biện pháp nhằm giảm ách tắc tại Tân Sơn Nhất như: Gấp rút mở rộng nhà ga, tăng cường bay đêm, sử dụng máy bay to thay vì máy bay nhỏ.
Phó Cục trưởng Hàng không Bùi Huy Cường phản ánh, ngày Tết, áp lực Tân Sơn Nhất rất lớn nhưng chủ yếu vào một số ngày, giờ cao điểm. Trong đó, có hàng nghìn chuyến bay hầu như không có hoặc rất ít khách hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. “Vietnam Airlines có khoảng 1.200 chuyến bay rỗng trong dịp Tết, Vietjet và các hãng khác cũng xấp xỉ từng đó” – ông Cường nói. Ông Cường cũng cho hay, dù đã khuyến khích các hãng bay đêm để giảm ách tắc giờ cao điểm nhưng hãng hàng không không mặn mà vì bay đêm rất ít khách.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc sử dụng các công cụ để điều tiết nhu cầu sử dụng của hành khách chưa tốt. Chẳng hạn, với các chuyến bay rỗng từ Bắc vào Nam trước Tết và từ Nam ra Bắc sau Tết, các hãng để mức giá 900 nghìn đồng/người/chuyến vẫn cao. Ông Thể đề nghị các hãng giảm tối đa để khuyến khích hành khách đi lại, du lịch dịp Tết để tránh lãng phí.
Về ách tắc tại Tân Sơn Nhất, ông Thể đề nghị xem xét điều tiết ngay từ việc điều hành các chuyến bay. Hiện nay, Bộ GTVT đã giao các đơn vị trực thuộc, cụ thể là Cục Hàng không xem xét việc điều chỉnh phí cất hạ cánh để tăng cường các chuyến bay đêm. “Các hãng muốn bay giờ cao điểm, phí sân bay tăng cao cao gấp 2,3 lần, giờ thấp điểm giảm 2,3 lần. Như thế, giá vé với hành khách giờ cao điểm cao hẳn, thấp điểm rẻ hẳn mới điều tiết được”, ông Thể nói và cho rằng, những biện pháp quản lý, điều phối của Nhà nước như vậy rất cần, “Không thể để thị trường tự phát” – Bộ trưởng GTVT nói.
Ngăn nhà đầu tư BOT tận thu bất chấp tắc đường dịp Tết
Về đường bộ, Tết năm nay có nỗi lo mới về tình trạng ách tắc diện rộng tại các trạm BOT. Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, những năm trước, lượng xe đông nên xảy ra ách tắc tại một số trạm thu phí. Năm nay, ngoài lượng xe đông, việc người dân phản ứng có thể gây ách tắc tại trạm.
Ông Huyện cho biết, Tổng cục đã áp dụng các biện pháp để khắc phục như gắn biển cấm dừng quá 5 phút tại trạm, làm việc với các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự và kiên quyết yêu cầu nhà đầu tư xả trạm khi xảy ra ùn tắc. Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng lo ngại tình trạng “kẹt xe liên vùng” bắt nguồn từ những khu vực trọng điểm như Cai Lậy (Tiền Giang) khiến cho phương tiện ùn tắc kéo dài, phương tiện không thể đi/về TPHCM.
Bộ trưởng GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ làm việc cụ thể với nhà đầu tư để tiến hành xả trạm ngay khi xảy ra ùn tắc; thậm chí, khuyến khích nhà đầu tư xả trạm hoàn toàn trong những ngày cao điểm Tết.
Trao đổi thêm với phóng viên về nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, ông có niềm tin về việc các cá nhân phản ứng trạm BOT không hoạt động trong giai đoạn Tết. “Tết đối với người Việt rất thiêng liêng. Cá nhân nào gây rối, tạo ùn tắc trạm thu phí dịp này cũng sẽ bị chính người dân lên án.
Tuy nhiên, tình hình ách tắc sẽ vẫn xảy ra ở các trạm có lưu lượng tăng cao. Tổng cục Đường bộ cần làm việc cụ thể với các trạm thu phí để nhân viên thu phí thao tác nhanh, tránh ùn tắc. Ngoài ra, Tổng cục nên cử cán bộ túc trực thường xuyên tại trạm để yêu cầu xả trạm khi xảy ra ùn tắc và để phòng nhà đầu tư trục lợi trong quá trình vận hành xả, đóng trạm” – ông Thanh đề nghị.
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng phản ánh, các năm trước có tình trạng một số đường dây nóng không túc trực thường xuyên gây bức xúc dư luận. Ngoài ra, việc Cục CSGT chỉ sử dụng số điện thoại để bàn làm đường dây nóng khiến người dân không thể phản ánh. Bởi vì, khi lên xe, bị nhồi nhét, lái xe chạy ẩu, hành khách chỉ có thể nhắn tin, nếu gọi điện sẽ bị chủ xe đe dọa.
Ông Hùng cho biết sẽ đề nghị Cục CSGT sử dụng số điện thoại di động làm số đường dây nóng. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đồng ý với đề nghị này. Ông Thể cũng cho biết, dịp Tết, cá nhân ông sẽ gọi vào các số đường dây nóng của các cục, vụ thuộc Bộ GTVT để kiểm tra.
Tại Hà Nội, ông Vũ Văn Viện - GĐ Sở GTVT Hà Nội cho hay, đến nay, Sở GTVT không duyệt cho đơn vị nào tăng giá vé Tết. “Chúng tôi vận động các nhà xe làm ăn cả năm rồi, dịp Tết cần chia sẻ với hành khách” - ông Viện nói. Ông Viện cho biết, nếu nhà xe nào thu tiền ngoài giá ghi trên vé, hành khách gọi điện về số ông Vũ Hà - Phó Giám đốc đốc Sở GTVT Hà Nội (0985811689) hoặc số cố định 0243 8217922 để kịp thời xử lý. |