Toyota Việt Nam đạt doanh số ấn tượng trong tháng "cô hồn" Sẽ miễn, giảm phí cho người dân gần trạm BOT quốc lộ 5 Chính phủ “bật đèn xanh” cho lắp ráp ô tô trong nước, giá xe liệu có giảm? |
“Chặt” rồi lại “mọc”
Xe “dù”, bến “cóc” nhiều năm qua luôn là vấn đề bức xúc trong công tác quản lý giao thông đô thị của TP Hà Nội. Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trực tiếp nhiều lần kiểm tra, ra văn bản “điểm danh” hàng chục bến “cóc”, yêu cầu lực lượng chức năng tập trung chốt trực, xử lý vi phạm nhằm giải tỏa dứt điểm.
Trong đó, nhức nhối nhất là bến “cóc” hình thành phía trước cửa chung cư Thăng Long Number One trên đường Khuất Duy Tiến - Vành đai 3 với hàng trăm lượt xe ô tô khách ngang nhiên dừng, đón, trả khách. Kéo theo đó, rất đông người đứng chờ trên vỉa hè, dưới lòng đường bắt xe. Cách đó không xa, tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long và các tuyến đường xung quanh Bến xe Mỹ Đình cũng tồn tại không ít bến “cóc”. Một số khu vực đất chờ dự án cũng dần dần bị các nhà xe biến thành bến “cóc” lộ thiên.
Hiện tượng xe “dù” lòng vòng đón, trả khách vẫn chưa được giải quyết triệt để. |
Thừa nhận xe “dù”, bến “cóc” đang là vấn đề bất cập, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý, bố trí lực lượng chốt trực, nhưng cứ tạm lắng một thời gian rồi lại tái phát. Chẳng hạn, tại khu vực trước cửa chung cư Thăng Long Number One chủ yếu phục vụ khách tuyến đi Hải Phòng, khi thấy lực lượng chức năng, các nhà xe lại lánh về khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long để hoạt động. Thậm chí, qua theo dõi, các nhà xe hoạt động tại đây còn sẵn sàng bố trí xe ô tô 5-7 chỗ để “tăng-bo” khi khách có nhu cầu, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Bến “cóc” đều được các nhà xe tính toán ở khu vực khuất, khó phát hiện, hoặc khi CSGT, Thanh tra GT-VT tiếp cận, lập tức lái xe vi phạm di chuyển phương tiện đi nơi khác, hay đánh tráo phương tiện để thoát sự kiểm tra. Nhiều nhà xe còn mượn địa điểm lập văn phòng, hoặc gửi xe vào những điểm trông giữ xe có phép rồi xuất hiện khi đã gom đủ khách. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.
Bố trí quỹ đất tạm
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội CSGT số 7 cho biết, thời gian qua, Đội đã xử lý hơn 20 trường hợp xe khách dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định. Dù mức phạt vi phạm dừng, đỗ trái quy định tới 700.000 đồng và phạt hành vi đón, trả khách trái quy định lên đến 1,4 triệu đồng/trường hợp và tạm giữ bằng lái 2 tháng, song vẫn chưa đủ sức răn đe. Khó khăn nhất trong vấn đề xử phạt xe khách đón, trả khách tại đường Vành đai 3 trên cao là vì đường chỉ dành cho ô tô, do đó tất cả các tổ tuần tra phải có xe chuyên dụng. Với lưu lượng xe trên tuyến đường lớn như hiện nay, việc dừng một xe để xử lý sẽ gây nhiều nguy hiểm cho phương tiện khác. Nắm bắt được điều này, các nhà xe bất chấp, cố tình vi phạm, đón, trả khách ngay tại đường Vành đai 3 trên cao.
Theo Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, từ tháng 6-2017 đến nay, Đội đã xử lý khoảng 60 trường hợp xe khách vi phạm (gồm cả khu vực đường Vành đai 3 và Đại lộ Thăng Long), chủ yếu là các lỗi đón, trả khách; dừng, đỗ sai quy định; để người lên, xuống khi xe đang chạy. Đối với các doanh nghiệp, nhà xe hoạt động trên địa bàn, Đội đều có biên bản làm việc, yêu cầu các nhà xe cam kết, chấp hành pháp luật, trật tự, an toàn giao thông. Cùng với đó, lực lượng CSGT tăng cường xử lý qua camera, phạt nguội các hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, hóa trang, mật phục, ghi hình xử phạt nguội lái xe vi phạm. Theo đó, tại các điểm “nóng”, CSGT đang kiến nghị cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống camera giám sát, ghi lại toàn bộ hình ảnh vi phạm để gửi thông báo phạt nguội. Đối với những nhà xe vi phạm nhiều lần, Đội sẽ gửi danh sách đến các bến xe để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này rất cần sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng khác.
Cũng theo ông Đào Việt Long, đã có nhiều văn bản chỉ đạo Thanh tra Sở GT-VT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các địa điểm xe khách thường xuyên vi phạm; nhắc nhở các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm quy định về vận tải; chỉ đạo các bến xe từ chối phục vụ với các đơn vị vận tải có xe vi phạm theo quy định.
Một số ý kiến cho rằng, các bến xe, luồng tuyến và xe trung chuyển còn chưa thực sự thuận tiện, trong khi nhu cầu đi lại của người dân là có thực và không ít người đã quen với việc "đâu tiện thì đi". Ví dụ, khu vực đường Khuất Duy Tiến và Đại lộ Thăng Long, sẽ thật khó để vận động người dân xuống tận Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) để bắt xe đúng tuyến. Do đó, bên cạnh việc quy trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, các lực lượng chức năng, thì cần nghiên cứu, bố trí các quỹ đất làm điểm đón, trả khách tạm thời tại các khu vực có nhu cầu cao. Khi đó, nếu nhà xe vẫn tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm bằng các biện pháp mạnh, như đình tài, rút giấy phép kinh doanh. Còn với cách xử lý như hiện nay, cứ “chặt” được điểm này, nhà xe lại tìm cách cho “mọc” thêm điểm khác...