Trong khuôn khổ hội thảo “Giải pháp xanh giảm phát thải trong ngành ô tô hướng tới trung hòa carbon”, ông Trần Hải Ninh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có những phát biểu liên quan thực trạng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Hội thảo “Giải pháp xanh giảm phát thải trong ngành ô tô hướng tới trung hòa carbon” để cập đến nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. |
Ông Ninh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 177/2007/QĐ-TTg về phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó có việc thúc đẩy xăng chương trình nhiên liệu E5 và E10, nhưng đến nay vẫn thiếu nguồn cung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, trong đó giai đoạn 2022-2023 đẩy mạnh việc pha và sử dụng xăng E5 cho 100% phương tiện giao thông đường bộ.
Nhiên liệu sinh học tại Việt Nam chưa được sử dụng nhiều. |
Tuy nhiên, đến nay cơ sở hạ tầng cung cấp và phân phối vẫn chưa đáp ứng do nhiều nhà máy ethanol tại Việt Nam đóng cửa vì vận hành thua lỗ, nhiều cây xăng chưa trang bị cột đổ xăng E5 do chưa bắt buộc. Trong khi đó, người tiêu dùng còn e ngại về nhiên liệu sinh học như xăng E5 có hại cho động cơ, hay số lượng trạm E5 còn quá ít.
Theo ông Trần Hải Ninh, nguyên nhân do chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nhiên liệu sinh học, thương nhân phân phối nhiên liệu sinh học còn ít. Tiếp theo, chênh lệch giữa giá xăng sinh học và xăng khoáng chưa cao, không tạo được khác biệt để thu hút người dân sử dụng xăng sinh học. Ngoài ra còn chưa có quy định bắt buộc về phối trộn, phân phối nhiên liệu sinh học.
Nhiên liệu sinh học góp phần giảm phát thải trong ngành ô tô. |
Mặc dù vậy, đại diện Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn khẳng định, nhiên liệu sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam trong lộ trình giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Ông cho rằng các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhiên liệu sinh học và các đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, đơn vị nghiên cứu, đặc biệt là chính phủ cần cùng chung tay tìm kiếm các giải pháp nhằm đưa chương trình nhiên liệu sinh học vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra ông cũng đề nghị cần có những ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, phối trộn và phân phối nhiên liệu sinh học (vốn, công nghệ, thuế, đất đai...), đồng thời điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu sinh học dựa trên khả năng giảm phát thải so với xăng khoáng.
Hội thảo “Giải pháp xanh giảm phát thải trong ngành ô tô hướng tới trung hòa carbon” được phối hợp tổ chức bởi Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. Hội thảo công bố các kết quả của dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với phương tiện giao thông tại Việt Nam và các hoạt động giảm CO2 khác. Thông qua đó truyền tải thông điệp về định hướng tiếp cận đa chiều nhằm giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải với những hành động cụ thể của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam. |
Phương Huyền