“Đã đến lúc chúng ta cần phải có những doanh nghiệp phi lợi nhuận có đẳng cấp, có tầm cỡ. Đó không chỉ vì cộng đồng mà còn là một cách để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế”, một chuyên gia phát biểu.
Nhiều gia đình hiện nay đều muốn gửi con em vào học ở Vinschool
Mới đây tập đoàn Vingroup tuyên bố chuyển đổi bệnh viện Vinmec và hệ thống Vinschool thành mô hình phi lợi nhuận. Cụ thể, Vingroup cam kết dành 100% lợi nhuận thu được từ Vinmec và Vinschool để sử dụng cho việc tái đầu tư và cam kết không thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng đã đầu tư đến thời điểm hiện tại.
Ngay sau thông tin được phát đi, nhiều người đặt câu hỏi vậy doanh nghiệp phi lợi nhuận là gì và tại sao một Tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup lại lựa chọn phát triển 2 thương hiệu đang tăng trưởng với tốc độ cao theo mô hình phi lợi nhuận?
Phi lợi nhuận nhìn từ Harvard, Yale, Stanford…
Trong khi các tổ chức vụ lợi nhuận tồn tại để tìm kiếm và phân phối lợi nhuận kinh doanh sau khi đã đóng thuế cho các cổ đông thì các tổ chức phi lợi nhuận tồn tại chỉ nhằm cung cấp các chương trình và dịch vụ cho lợi ích cộng đồng. Hay nói cách khác, phi lợi nhuận được biết đến là mô hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, từ thiện hoặc các lĩnh vực phục vụ cộng đồng.
Trên thế giới, không ít tổ chức đang hoạt động dưới hình thức này, trong đó nhiều mô hình giáo dục – y tế phi lợi nhuận nổi tiếng có thể kể tới như: Mayo Clinic, Cleveland Clinic, John Hopkins Medicine ở Mỹ, Samsung của Hàn Quốc; Đại học Harvard, Yale, Stanford ở Mỹ, Keio ở Nhật, Yonsei ở Hàn Quốc...
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, phi lợi nhuận không phải là không có lợi nhuận mà chính là chọn cách sử dụng lợi nhuận như thế nào. Với mô hình này, các dịch vụ cung cấp như giáo dục hay y tế cũng không phải là miễn phí, thậm chí khi đi cùng với các dịch vụ cao cấp còn là mức chi phí cao tương ứng.
Một trong những ví dụ điển hình là trường Đại học nổi tiếng nhất thế giới – Harvard. Hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Nhưng đây cũng là một trong những ngôi trường được mệnh danh là dành cho giới nhà giàu với mức học phí cao và tăng nhanh bậc nhất thế giới. Nếu không có học bổng thì những sinh viên “không giàu có” hầu như không có cơ hội học tập tại đây.
Không chỉ vậy, Harvard còn là ngôi trường cực kỳ giàu có với doanh thu lớn hơn GDP của nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo tài chính năm 2015, tổng doanh thu hoạt động của trường trong năm tài chính 2015 tăng 3% lên mức 4,5 tỷ USD. Số tiền này đến chủ yếu từ những khoản quyên góp của các cá nhân và tổ chức, học phí… Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng của Harvard lên tới 44,6 tỷ USD (tính đến ngày 30/6/2016) khiến nó trở thành trường đại học giàu có nhất nước Mỹ.
Các trường như Harvard có các nguồn thu chính đến từ: Các khoản quyên góp, học phí, tài trợ, quà hiện vật, cho thuê bằng sáng chế. Theo Bloomberg, những khoản này chiếm từ 60-70% ngân sách của Harvard. Phần còn lại đến từ chính nguồn lực của trường.
Những trường như Harvard hay Yale, Stanford dùng những khoản thu này để giảm gánh nặng cho sinh viên hoặc cung cấp nguồn lực dành cho học bổng. Để không vì doanh thu sụt giảm ảnh hưởng tới sinh viên, giảng viên cũng như chất lượng giáo dục, nghiên cứu, những trường như Harvard ngoài mục tiêu giáo dục cũng có những chiến lược kinh doanh, đầu tư để đảm bảo ổn định cho tổng nguồn thu.
Vinmec tại TP Hồ Chí Minh
Đến lúc Việt Nam cần doanh nghiệp phi lợi nhuận tầm cỡ
Tại Việt Nam, mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận đã manh nha trong vài năm trở lại đây nhưng vẫn chưa mấy thành công. Đáng lưu ý, theo quy định pháp luật, các tổ chức/doanh nghiệp phi lợi nhuận chỉ cần sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm tái đầu tư thực hiện các mục tiêu xã hội đã đăng ký, phần còn lại có thể vẫn được chia về cho chủ sở hữu/cổ đông.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chính việc chỉ không cần sử dụng cả 100% lợi nhuận tạo ra để tái đầu tư như trên đã góp phần tạo ra mâu thuẫn trong cách vận hành của mô hình phi lợi nhuận cũng như ảnh hưởng phần nào tới niềm tin của xã hội vào các tổ chức/doanh nghiệp phi lợi nhuận.
Một ví dụ có thể thấy là đối với trường Đại học Hoa Sen, mặc dù tuyên bố là trường phi lợi nhuận nhưng không sử dụng 100% lợi nhuận kiếm được để tái đầu tư mà hàng năm vẫn chia cổ tức cho cổ đông. Và khi cổ đông thấy rằng đây là lĩnh vực có thể kiếm lời thì chính họ bắt đầu đòi hỏi một lợi ích cao hơn khiến chi phối đến chuyên môn, bởi họ nắm quyền quản lý tài chính và đưa lợi nhuận lên trên những giá trị giáo dục.
“Tuy nhiên, với mô hình của Vingroup đang hướng tới, vấn đề trên hoàn toàn được tháo gỡ nhờ cam kết tái đầu tư toàn bộ (100%) nguồn lợi nhuận của Vingroup từ Vinmec và Vinschool để mở rộng mạng lưới và tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, quản lý”, một chuyên gia nhìn nhận.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc phi lợi nhuận hóa hoàn toàn với hai thương hiệu đang phát triển tốc độ cao, có triển vọng lợi nhuận bền vững - Vingroup đã khẳng định tầm vóc, uy tín và trách nhiệm xã hội của một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, theo xu hướng phát triển của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo một vị chuyên gia kinh tế, đa số các doanh nghiệp phi lợi nhuận ngay từ đầu đã phải xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu phát triển xã hội. Theo đó, lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp.
“Họ nhìn thấy cơ hội tạo giá trị vật chất từ những hàng hóa và dịch vụ giàu nhân văn mà họ cung cấp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng cần phải thấy rằng, theo xu hướng phát triển chung của thế giới, đã đến lúc chúng ta cần phải có những doanh nghiệp phi lợi nhuận có đẳng cấp, có tầm cỡ. Đó không chỉ vì cộng đồng mà còn là một cách để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế”, vị này cho biết.