Mitsubishi trình làng xe điện cỡ nhỏ kiểu dáng giống Xpander Trắc nghiệm xe điện Hyundai Ioniq 5 Sakura mẫu xe điện giá rẻ, cỡ nhỏ đầu tiên của Nissan |
Cách đây không lâu khi VinFast tuyên bố hãng sẽ không bán pin theo xe mà chỉ cho thuê pin đối với những khách hàng mua ô tô điện, rất nhiều topic nổ ra trên mạng xã hội tranh cãi về chính sách này. Gần đây, VinFast sắp hoàn thiện hệ thống trạm sạc được lắp đặt trên cả nước theo đúng lộ trình. Bên cạnh đó các đợt giao xe VF e34 thực hiện đều đặn, theo thời gian chủ đề này cũng lắng xuống dần. Tuy nhiên mới đây, Ioniq 5 chính thức được TC Motor trình làng một lần nữa tạo ra làn sóng tranh cãi trên các hội nhóm xe đông thành viên.
Cụ thể, trước sự kiện xe điện đầu tiên mang thương hiệu Hyundai ra mắt tại Việt Nam, một người dùng đã đăng tải nội dung giới thiệu xe với vài dòng ngắn gọn trong nhóm "Hội Hyundai Santa Fe Việt Nam". Ngoài những lời khen ngợi dành cho mẫu xe mới, chủ đề Ioniq 5 sẽ bán pin kèm theo xe luôn bất ngờ thu hút nhiều lượt bình luận nhất.
Bài đăng giới thiệu Ioniq 5 thu hút hàng trăm comment từ độc gỉa |
Ioniq 5 công bố bán pin theo xe, nhưng vấn đề xe sẽ sạc tại đâu lại chưa được hãng giải đáp, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến loạt tranh cãi. Trong khi đối thủ VinFast đã gần như hoàn tất các trạm sạc trên cả nước, Hyundai chưa có trạm sạc nào cả. Vì vậy, người dùng thắc mắc, nếu bán pin theo xe, thì pin sạc tại đâu?
"Mở bát" cho loạt comment tranh cãi, những độc giả đầu tiên đưa ra bình luận ngắn gọn: "Vấn đề đi đâu để sạc pin?", "Chưa có trạm sạc hơi khó khăn". Người dùng Hiếu Minh comment: "Sạc ở nhà mà vào mùa hè luỹ kế cùng ba cái điều hoà nữa thì tiền điện quá tiền xăng".
Những băn khoăn của độc giả không phải không có lý do. Với xe điện, pin là một trong số những bộ phận quan trọng nhất. Vậy nên hệ thống trạm sạc cho pin không đáp ứng sẽ gây ra tình trạng quá tải và bất tiện cho người lái, giống tình trạng xe chạy động cơ đốt trong mà không có trạm xăng dựng lên tại mỗi tuyến đường.
Độc giả Triệu Minh bày tỏ quan ngại: "Thế thì tạm thời bỏ qua xe điện hãng khác thôi. Gì chứ cứ phải có trạm sạc phủ sóng đủ rộng thì mới mua được chứ. Biết chủ yếu sạc ở nhà là chính nhưng nhiều lúc cấp bách cần thì phải có. Không có lại gọi xe cứu hộ cõng về cũng mệt."
Bên cạnh đó, vấn đề tưởng cũ nhưng lại một lần nữa được "đào" lên, chính là nên mua pin theo xe điện, hay thuê pin từ hãng. Trước chính sách bán "đứt" pin theo Ioniq 5, khách Việt bày tỏ lo ngại về vấn đề pin hỏng hóc phải thay.
Anh Nguyễn Hoàng Thành cho biết: "Sở hữu pin luôn thì khi pin hỏng, kém chủ xe phải chịu, thuê pin thì bên cho thuê chịu".
"Lo nhất khoản thay pin, lúc đó giá bằng chiếc xe thì ối dồi", "Mà xe điện thì đắt nhất là bộ pin. Lúc ấy xe hết khấu hao rồi lại tiết kiệm mua pin hàng cũ hàng bãi lắp vào chập cháy xe".
Bán pin theo xe hay thuê pin từ hãng, chủ đề đang gây tranh cãi lớn. |
Độc giả Kieu Hung làm phép tính đơn giản: "Bỏ tiền mua pin vào ngân hàng lấy lãi ra dư sức thuê pin, hư hỏng hãng chịu với bỏ thêm vài trăm mua pin riêng hết bảo hành tự chịu cái nào lợi hơn. Ông mua pin hết bảo hành nó hỏng thì ông bỏ mấy trăm triệu ra mua cục pin mới có sướng không. Lỗi pin ông có được thay luôn không hay phải đợi thành công nhập về?"
Anh Truong Quan cũng đồng tình với ý kiến trên: "Thuê pin là hình thức trả góp cục pin chứ có gì đâu mà các cụ cứ gào lên, tiền trả một cục thì vứt vào ngân hàng một tháng cũng dư tiền thuê pin, lỗi pin thì họ đổi cho luôn, nếu phải đợi thì chắc chắn sẽ mấy ít thời gian hơn là thành công nhập về".
Còn nhớ cách đây không lâu, khi VinFast công bố chỉ cho khách thuê pin, nhiều khách hàng còn bày tỏ lo ngại khi không được "sở hữu hoàn toàn" chiếc xe điện của mình. Tâm lý người dùng cho rằng, xe điện quan trọng nhất bộ pin, nếu không có pin xe điện chỉ còn là cái xác xe. Dù tiết kiệm được kha khá tiền khi pin chỉ được hãng cho thuê (giá VF e34 chỉ còn hơn 600 triệu nhờ pin không bán kèm theo xe), nhưng khách hàng vẫn lo lắng những vấn đề đằng sau, nhất là khi VinFast mạnh dạn khai tử tất cả dòng xe xăng sau hơn ba năm trời dồn tiền đầu tư phát triển và thu được những thành công nhất định.
Ban đầu, không ít người không đồng tình với chính sách cho thuê pin từ VinFast |
Dưới bài đăng về chính sách cho thuê pin của VinFast, độc giả từng bày tỏ băn khoăn với bộ pin không thuộc sở hữu của mình.
"Chủ thớt cho hỏi pin thuê như vậy lỡ xảy ra phá huỷ pin (như ngập nước, ăn trộm, bị kẻ xấu phá, hay tai nạn vỡ... ) thì khách hàng có phải đền pin không? Và đền với giá bao nhiêu?"
"Quan trọng là hãng có tồn tại trọn đời xe không mà trách nhiệm chứ".
Chưa kể, theo chính sách hãng công bố, khách sẽ trả phí thuê pin hàng tháng cho quãng đường 500 km/tháng, nếu vượt quá con số này khách tự trả thêm số tiền bằng quãng đường vượt nhân với đơn giá thuê bao pin/km.
VF e34 - chiếc xe điện đầu tiên do hãng xe Việt sản xuất đã đến tay người dùng |
Về điểm này, độc giả Trần Vinh cho rằng: "Mình nghĩ nên đóng pin theo nhu cầu khách rồi bán đứt. Ví dụ pin 100km (dành cho khách đi loanh quanh trong phố, đi làm 5-10 km gần nhà, đón con ,đi chợ, shopping...), pin 300 km dành cho shiper..., pin 500-1000 km dành cho phượt thủ, taxi...) Như vậy mấy người đi ít ko phải bỏ ra số tiền quá lớn để mua pin khủng, mà cũng chẳng cần thuê luôn".
Anh Trần Nhã cũng cảm thấy chính sách này sẽ thiệt thòi cho những người đi xe ít, bởi "nhiều người mua về để cuối tuần đi cafe, có khi cả tháng mới chạm vào nhưng phí thuê vẫn đều đều".
Rõ ràng, với người dùng xe điện, cho thuê pin hay bán hẳn pin theo xe cũng đều có những mặt lợi, mặt hại. Chính vì vậy, chủ đề này sẽ còn gây tranh cãi cho đến khi cơ sở hạ tầng dành cho xe điện đã hoàn thiện và phát triển hơn hiện tại, xe điện trở nên quen thuộc hơn với người dùng Việt. Năm 2022 hứa hẹn là một năm đặc biệt với thị trường ô tô trong nước khi hàng loạt những chiếc xe điện sẽ cập bến và tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt không chỉ với xe xăng mà còn tại mỗi phân khúc chúng có mặt.
Phương Huyền