Trước đó, Volkswagen Việt Nam đã đưa ra quyết định sẽ phân phối mẫu MPV Viloran hoàn toàn mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn hơn của khách hàng Việt Nam về một chiếc xe đa dụng, cao cấp và thực sự khác biệt với các đối thủ trong cùng phân khúc.
Volkswagen Viloran sắp được đưa về bán tại Việt Nam. |
Dòng xe MPV Viloran được hãng Volkswagen chọn lắp ráp duy nhất tại nhà máy Volkswagen theo tiêu chuẩn toàn cầu có trụ sở tại Ninh Ba. Viloran được xuất khẩu sang các thị trường toàn cầu có nhu cầu về dòng xe đa công dụng cao cấp và kích thước lớn như Nga, Úc, Qatar, Oman, Israel, Palestine, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Đài Loan…
Đoàn báo chí và truyền thông Việt Nam tại nhà máy SAIC Volkswagen Ninh Ba. |
Nhà máy Ninh Ba nằm ở khu vực Vịnh Hàng Châu, ở bờ nam của cầu vượt biển Vịnh Hàng Châu. Đây là chi nhánh thứ ba và lớn nhất được SAIC Volkswagen xây dựng bên ngoài Thượng Hải. Tổng vốn đầu tư của hai giai đoạn là khoảng 31 tỉ nhân dân tệ với công suất có thể sản xuất 600.000 xe mỗi năm.
Nhà máy Volkswagen tại Ninh Ba, Trung Quốc. |
Nhà máy Ninh Ba có diện tích 2,62 triệu mét vuông, với tổng diện tích xây dựng là 920.000 mét vuông. Dù có diện tích lớn nhưng nhà máy này có thời gian xây dựng chỉ 22 tháng tạo nên tốc độ xây dựng nhà máy nhanh nhất thế giới của Tập đoàn Volkswagen. Hiện nhà máy hiện đang sản xuất nhiều thương hiệu và dòng xe, có thể kể đến Teramont, Teramont X, Viloran và Tharu, đây là những mẫu xe dự kiến sẽ được Volkswagen đưa về phân phối tại Việt Nam.
Nhà máy SAIC Volkswagen Ninh Ba có bốn xưởng chính: dập, thân xe, sơn và lắp ráp cuối cùng. Ngoài ra, nơi đây còn được trang bị trung tâm công nghệ, trung tâm năng lượng, trung tâm đào tạo, trung tâm trưng bày, trung tâm hoạt động nhân viên…
Lần đầu tiên trong tập đoàn Volkswagen có dây chuyền sản xuất máy ép tốc độ cao với tốc độ đột dập tối đa 18 lần/phút (tức là có thể sản xuất 18 thành phẩm mỗi phút)". Đồng thời, đây là dây chuyền sản xuất đầu tiên của Tập đoàn Volkswagen tại Trung Quốc được trang bị hệ thống BDE. Hệ thống này tương đương với bộ não con người, giúp việc điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất trở nên thông minh và được kết nối mạng, số hóa.
Quy trình hàn laser trần xe có yêu cầu cực kỳ cao đối với ghép nối các chi tiết thân xe và bền chắc hơn so với hàn điểm thông thường. |
Ngoài ra nhà máy SAIC Volkswagen Ninh Ba còn có xưởng chế tạo thân xe diện tích khoảng 120.000 mét vuông và áp dụng công nghệ nền tảng MQB tiên tiến nhất của Volkswagen. Tần suất sản xuất của xưởng là 51 giây, với tổng số hơn 1.100 robot. Đây hiện là xưởng thân xe có số lượng robot lớn nhất và tỷ lệ tự động hóa xưởng là 78%.
Bên cạnh đó là hệ thống lắp ráp trần xe sử dụng các cảm biến quang điện tiên tiến nhất. Trạm làm việc này hiện có thể đảm nhiệm việc sản xuất dây chuyền ba mẫu ô tô và 8 bộ trần xe với các cấu hình khác nhau cùng lúc. Đồng thời, nó giúp giảm đáng kể số lượng nhân viên và chi phí.
Ngoài các robot, nhà máy SAIC Volkswagen Ninh Ba còn sử dụng hàn laser có độ chính xác cao, ghép nối các chi tiết thân xe và bền chắc hơn 30% so với hàn điểm thông thường. Bên cạnh đó là trạm đo trực tuyến sử dụng tia laser, cảm biến phạm vi, công nghệ xử lý hình ảnh và điều khiển bằng máy tính để đạt được phép đo chính xác 100% kích thước không gian thân xe. Mọi khiếm khuyết về kích thước và các rủi ro tiềm ẩn về chất lượng được loại bỏ. Khung thân xe mới hoàn thành đáp ứng các yêu cầu về kích thước sẽ được chuyển qua dây chuyền tiếp theo.
Dây chuyền lắp ráp hệ thống khung gầm. |
Ngoài các robot hiện đại, nhà máy SAIC Volkswagen Ninh Ba còn sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến, một trong những điểm nổi bật về kỹ thuật của nhà máy Ninh Ba - RFID. Chip RFID, tương đương với thẻ ID của một người. Đi cùng đó là công nghệ xử lý thẻ không cần giấy tờ A-WBK, đây là một điểm nổi bật về công nghệ của nhà máy Ninh Ba. Đây chính là kết nối mạng thông minh, số hóa và là một trong những sáng kiến quản lý chất lượng.
Cuối cùng trước khi xuất xưởng các xe sẽ được đưa đến khu vực kiểm tra lại và hoàn thiện qua bảng kiểm tra lại điện tử PSK. Hệ thống này ghi lại số lần làm lại và thời gian làm lại của từng xe thông qua camera. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển trí tuệ, số hóa của Tập đoàn và tiến thêm một bước hướng tới mục tiêu Công nghiệp 4.0.
Nhà máy SAIC Volkswagen tại Thượng Hải chuyên sản xuất các dòng xe điện. |
Tiếp đến là nhà máy Anting đặt tại Thượng Hải, nhà máy Anting hiện đang sản xuất các mẫu xe ID.3, ID.4 X, ID.6 X, mẫu xe thuần điện Audi Q5 e-tron. Xưởng lắp ráp xe điện có diện tích 62.600 mét vuông, với tổng cộng 6 dây chuyền sản xuất chính, hai dây chuyền lắp ráp trước mô-đun và dây chuyền thử nghiệm, khu vực chỉnh sửa và khu vực giao hàng.
Trạm lắp ráp khung gầm hiện là nền tảng lắp ráp hoàn toàn tự động đầu tiên của SAIC Volkswagen. Trong nền tảng này, chúng tôi không sử dụng nhân viên vận hành. Nó chủ yếu tự hoạt động lắp ráp, không sử dụng người điều khiển thông qua công nghệ cấp liệu tự động, lắp ráp tự động và công nghệ nhận dạng trực quan.
Phần cuối của dây chuyền chuẩn bị lắp ráp gầm xe, một cụm gầm xe hoàn chỉnh, có các loại pin có công suất là 55kwh, 62kwh và 82kwh, bộ pin 82kwh dài 1,8 mét, rộng 1,4 mét, phạm vi cung cấp năng lượng của pin lên tới 588km, về cơ bản nó bao gồm tất cả các bộ phận điện áp cao của xe, như máy nén điều hòa, bộ chuyển đổi DC/DC, cụm pin, cụm động cơ, hệ thống điều khiển năng lượng điện tử, cụm sạc, cổng sạc và dây cao áp, v.v...
Trạm thử nghiệm - nơi sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống chiếu sáng, căn chỉnh bốn bánh và các công việc khác. Việc đo lực phanh động được hoàn thành ở khu vực thử phanh. Vì cả quá trình này không hề phát thải nên toàn bộ khu vực phanh được xây dựng hoàn toàn trong suốt và không gian mở, không có thiết bị thông gió, xả thải ở trên trần. Đây cũng là đặc điểm của quá trình lắp ráp cuối cùng MEB, Volkswagen không chỉ đáp ứng các yêu cầu về quy trình mà còn góp phần nâng cao khả năng trung hòa khí thải carbon của toàn bộ khu vực.
Việc mang về các dòng xe từ nhà máy tại Trung Quốc mang lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và Thương hiệu tại Việt Nam. Các sản phẩm đến từ nhà máy Trung Quốc sẽ đảm bảo được nguồn cung ổn định. Đặc biệt, các sản phẩm được phát triển tại thị trường Châu Á sẽ có nhiều đặc tính được nghiên cứu dành riêng cho khách hàng tại đây. Vì vậy, các dòng xe này – có thể tin chắc rằng sẽ đặc biệt phù hợp với khách hàng Việt Nam với chất lượng trứ danh đến từ hãng mẹ tại Đức.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Volkswagen, nơi đã bàn giao 2,4 triệu xe vào năm 2021 và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với tư cách là lựa chọn số 1 của khách hàng Trung Quốc. Tập đoàn Volkswagen tại Trung Quốc đã thành lập 33 nhà máy tại Thượng Hải, Trường Xuân, Đại Liên, Nam Kinh, Yizheng, Thành Đô, Phật Sơn, Ninh Ba, Trường Sa, Urumqi, Hợp Phì và Thiên Tân để sản xuất xe và linh kiện tại Trung Quốc. Tính đến năm 2023, Tập đoàn Volkswagen tại Trung Quốc có khoảng 500.000 nhân viên tại Trung Quốc, bao gồm cả những nhân viên thuộc liên doanh toàn cầu và năng lực sản xuất hàng năm là khoảng 5 triệu xe. |