Sau 8 tháng triển khai, các điểm đỗ xe theo iParking trên nhiều tuyến phố hiện nay chỉ nhận thanh toán được với mạng điện thoại Viettel. |
8 tháng triển khai 2 lần… tê liệt Sau một thời gian dài dừng hoạt động để thay đổi đầu số thanh toán trực tuyến, vừa qua các điểm đỗ xe theo công nghệ iParking đã hoạt động trở lại với đầu số mới là 9556. Theo đó, từ tháng 1-2018, chủ phương tiện có sử dụng điện thoại di động vào các điểm đỗ xe iParking sẽ thực hiện thao tác nhắn tin theo cú pháp: “ip25hk...” - cộng với số thứ tự điểm đỗ - biển số xe, sau đó gửi đến số tổng đài 9556. Mỗi lần nhắn như vậy, chủ xe được tính thời gian đỗ 1 lượt (60 phút), mức giá là 25.000 đồng/lượt. Số tiền này được trừ trực tiếp vào tài khoản điện thoại di động của chủ xe. Tuy nhiên nhiều ngày qua, chủ phương tiện dùng các mạng điện thoại như Vinaphone, Mobifone… khi vào các điểm đỗ xe có ứng dụng iParking, trong đó có các tuyến phố: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trấn Vũ, Nhà Thờ, Ngô Thì Nhậm… không thể nhắn tin theo cú pháp. Lý do sau đó được nhân viên quản lý cho biết, là do đầu số 9556 đang tạm dừng tiếp nhận tin nhắn từ iParking. Việc không được đỗ xe trong các điểm gửi khiến nhiều chủ phương tiện sử dụng mạng Vinaphone, Mobifone rất bức xúc. Trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… đến bất kỳ điểm đỗ xe iParking nào câu đầu tiên chủ xe nhận được từ nhân viên trông xe là “anh dùng mạng điện thoại gì?...”, nếu nói là Vinaphone, Mobifone thì lập tức bị nhân viên “xua” tay không nhận. Chỉ có các chủ xe dùng mạng điện thoại Viettel sẽ lập tức được nhân viên hướng dẫn vào điểm đỗ và cho cú pháp nhắn tin đến tổng đài. Tuy nhiên, tại điểm trông giữ xe iParking trước số nhà 70 phố Lý Thường Kiệt, ngay cả sử dụng mạng Viettel soạn tin nhắn theo cú pháp, gửi đến số 9556 lúc 10h30, nhiều chủ xe cũng không gửi được. Có nhiều bất cập Sau khi kiểm tra thực tế hoạt động các điểm trông xe iParking, Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Văn bản số 207 do ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký, cho biết: Tại một số điểm iParking nhân viên quản lý chưa được trang bị máy tính bảng và máy in cầm tay, thậm chí có tình trạng nhân viên không chủ động in phiếu đỗ xe từ hệ thống iParking để gửi cho khách hàng. “Một số điểm đỗ ghi thời gian trông giữ xe từ 6h - 22h nhưng đến 17h đã không kết nối đến máy chủ. Số liệu quản lý số phương tiện vào điểm đỗ bị gián đoạn, chi phí trông giữ xe không được cập nhật”, văn bản nêu rõ. Đề cập đến việc chủ phương tiện sử dụng mạng Vinaphone, Mobifone không thể sử dụng điểm đỗ iParking, ông Tuấn cho rằng, mặc dù hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng này đã nghiệm thu và sẵn sàng đưa vào sử dụng nhưng đến nay việc ghi nhận doanh thu và xuất hoá đơn VAT giữa nhà mạng và các đơn vị khai thác vẫn chưa thống nhất. Thậm chí, quản lý ứng dụng tại các điểm đỗ iParking chưa có sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước về mạng thông tin. Để sử dụng đồng bộ các nhà mạng hiện có, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị cung cấp phần mềm là Công ty Cổ phần Đầu tư CIS vừa có văn bản đề nghị Cục Thuế Hà Nội có hướng dẫn cụ thể để sớm đưa luồng thanh toán qua tin nhắn của hai nhà mạng Vinaphone, Mobifone vào sử dụng. Dịch vụ tìm và đỗ xe iParking là ứng dụng đỗ xe văn minh đã được nhiều thành phố phát triển trên thế giới áp dụng. Ứng dụng này đã được UBND thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm từ ngày 1-5-2017 trên hai tuyến phố đầu tiên là Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt. Do nhà mạng gặp bất cập trong việc kết nối thanh toán, sau 3 tháng thí điểm ứng dụng đã phải dừng một thời gian dài để thay đổi đầu số. Đến đầu năm 2018, ứng dụng hoạt động trở lại với đầu số mới là 9556, cùng với đó số tuyến phố được ứng dụng hình thức đỗ xe này cũng được nhân rộng thêm. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng hoạt động trở lại, đầu số 9556 tiếp tục gặp trục trặc khi chỉ thanh toán được với mạng điện thoại Viettel, còn mạng Vinaphone, Mobifone bị tê liệt. Thành phố Hà Nội giao Công ty Cổ phần đầu tư CIS cung cấp toàn bộ phần mềm ứng dụng, còn việc quản lý hầu hết các điểm đỗ xe theo iParking là Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội.