Đi thăm người bệnh tại một bệnh viện trên phố Phủ Doãn (Q.Hoàn Kiếm), chị Trần Hoài Thu (Q.Nam Từ Liêm) chật vật xếp hàng dài chờ gửi xe, đến lượt chị thì nhân viên thông báo hết chỗ. Chị và nhiều người khác phải loay hoay chạy nhiều vòng qua mấy tuyến phố xung quanh để tìm chỗ gửi xe, chấp nhận phải trả 10.000 đồng/xe máy tại một điểm trông giữ xe tự phát.
Không chỉ xe máy, lượng ô tô tăng nhanh trong vài năm trở lại đây khiến Hà Nội thêm “khát” điểm gửi xe, bất chấp giải pháp tình thế cấp phép trông giữ ô tô dưới lòng đường trên nhiều tuyến phố chính hay đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ tại các tuyến phố có bề ngang lòng đường hẹp. Nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội thiếu hẳn điểm trông giữ ô tô như đoạn từ Tràng Thi đến Điện Biên Phủ, Hàng Bài...
"Quy hoạch bãi đỗ xe mới thì đẹp rồi, nhưng có thành “bánh vẽ” ngon lành..., gặm nhấm dự án chung thành lợi ích riêng hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của TP và chính quyền các quận huyện". Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội |
Hơn 70 dự án nằm trên giấy
Đáng nói, dù thiếu điểm trông giữ xe chính thức, nhưng các điểm tự phát, không phép mọc tràn lan. Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tổng số điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường, vỉa hè, dải phân cách trên địa bàn là 728 điểm, trong đó các điểm hết hạn giấy phép, không phép là 74 điểm. Ngoài ra có 597 bãi trông giữ xe tại các bệnh viện, trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học... chiếm diện tích 830.000 m2 nhưng chỉ có 5 bãi trông giữ được UBND TP.Hà Nội cho phép và 28 bãi Sở GTVT thỏa thuận đủ điều kiện trông giữ phương tiện.
Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020 (Quy hoạch 165) ban hành năm 2003, nhưng sau 14 năm thực hiện, theo kết quả khảo sát của Ban Đô thị - HĐND TP.Hà Nội, chỉ mới có 21/95 dự án bãi đỗ xe hoàn thành. Quỹ đất Hà Nội từng dự kiến dành cho bãi đỗ xe tại 7 quận là 348,1 ha thì đến nay mới thực hiện được 51,79 ha, đạt 14,8%. Nhiều dự án được TP chấp thuận chủ trương nhiều năm trước nhưng vẫn chưa thể triển khai thực hiện như dự án bãi đỗ xe ngầm tại vườn hoa Vạn Xuân, hầm đỗ xe ngầm dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ Ngọc Khánh...
Bãi đỗ xe biến tướng
Trên thực tế, ngay cả những bãi đỗ xe đã hoàn thành cũng không ít dự án bị biến tướng khi được cho phép kết hợp, thay đổi công năng. Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô, đoạn từ phố Dương Quảng Hàm đến đường ven sông Tô Lịch dù nằm trong quy hoạch bãi đỗ xe, đã mọc lên hàng loạt nhà hàng, quán cà phê, siêu thị điện máy.
Tương tự, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, đoạn từ phố Linh Lang đến đường Liễu Giai làm bãi đỗ xe với sức chứa 100 ô tô, được UBND TP.Hà Nội cấp phép cho Công ty CP đa quốc gia. Nhưng sau khi cống hóa mương, chủ đầu tư đã sử dụng phần lớn diện tích (4.000 m2 trên diện tích hơn 6.000 m2) để xây dựng các công trình và cho thuê làm nhà hàng hải sản, siêu thị, trường mầm non..., chỉ một phần diện tích nhỏ được sử dụng làm điểm trông giữ xe.
Đây cũng là các điểm nóng vi phạm trật tự xây dựng đã được điểm mặt chỉ tên nhiều lần, nhưng tới nay vẫn ngang nhiên tồn tại.
Nhiều dự án khác được TP cho phép chuyển đổi sang chức năng hỗn hợp trung tâm thương mại, hoặc kết hợp công năng khác khiến quy mô điểm đỗ xe thu hẹp, trong khi các chức năng khác phình to. Dự án bãi đỗ xe tại lô đất 5 ô DX1, DX2, DX3, DX4, CX2 khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy) cấp phép cho Công ty CP thương mại dịch vụ Lã Vọng với quy mô trên 10.000 m2, sức chứa 200 ô tô kết hợp các dịch vụ thương mại.
Nhưng quan sát thực tế tại đây, mặt tiền phần lớn các lô đất này được chủ đầu tư xây dựng kiên cố thành nhà hàng. Phần diện tích đỗ xe còn lại rất ít ỏi, trong khi đó khu vực này nhu cầu đỗ ô tô của người dân rất lớn, nhiều tuyến phố ô tô đỗ tràn xuống lòng đường.
Hà Nội đang rất thiếu dự án bãi đỗ xe cao tầng và ngầm như dự án bãi đỗ xe cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Mai Hà |
Quy hoạch lại
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đưa ra quy hoạch lại điểm, bãi đỗ xe từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 2 - 4%. Mạng lưới bãi đỗ xe sẽ có diện tích khoảng 1.830 ha, trong đó 1.222 ha làm bãi đỗ xe công tập trung, 17,7 ha làm bãi đỗ xe trung chuyển và hơn 590 ha làm bãi đỗ xe buýt và xe tải. Quy hoạch này được kỳ vọng sẽ “sửa sai” cho Quy hoạch 165 trước đó.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, để quy hoạch mới thành công, quan trọng nhất là khâu thực hiện. Quỹ đất làm bãi đỗ xe, nhất là tại các quận nội thành rất có giá, nên dễ bị biến tướng kiểu kết hợp công năng sang kinh doanh thương mại.
“Gần đây Hà Nội đã có nhiều chuyển biến, quy hoạch bãi đỗ xe mới thì đẹp rồi, nhưng có thành “bánh vẽ” ngon lành, sân si chia chác vừa làm bãi đỗ xe, vừa làm trung tâm thương mại, gặm nhấm dự án chung thành lợi ích riêng hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của TP và chính quyền các quận huyện”, ông Liên nhìn nhận.
Lý giải việc các dự án bãi đỗ xe chậm thực hiện, báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cho rằng nguyên nhân do giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đầu tư lớn nhưng tốc độ thu hồi vốn chậm, đặc biệt năng lực tài chính một số nhà đầu tư hạn chế nhưng vẫn đề xuất nghiên cứu dự án để giữ đất mà chưa thực sự triển khai. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng lỗi một phần do cơ quan chuyên môn chưa làm tốt dự báo, đánh giá thực tế để điều chỉnh Quy hoạch 165, phần khác do chính quyền địa phương chưa kiểm tra, giám sát chặt dẫn đến sai phạm trong sử dụng đất. Công trình sai quy hoạch cứ đua nhau mọc trên đất dành cho giao thông tĩnh, khiến quỹ đất vốn đã eo hẹp lại càng chậm tăng trưởng. Trong khi phương tiện giao thông của Hà Nội tăng trưởng trên 10%/năm thì quỹ đất dành cho giao thông tĩnh tăng trưởng chưa đến 1%/năm. |