Quá tải hạ tầng
Hệ thống giao thông tĩnh của Thủ đô nhiều năm nay luôn trong tình trạng quá tải, trở thành thách thức đối với các cơ quan chức năng trong quản lý và điều hành giao thông đô thị. Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội đang có trên 5,2 triệu xe gắn máy, khoảng 486 nghìn xe ô tô các loại.
Trong khi đó, diện tích bến, bãi đỗ xe hiện nay chỉ chiếm 0,12% diện tích đất các quận (trong khi mức yêu cầu là 2-3% diện tích) và chỉ đáp ứng được 8-10% tổng nhu cầu đỗ xe trong khu vực nội thành; khoảng 90% còn lại được giải quyết với các điểm đỗ xe trong khu đô thị, các khu chung cư, tại sân các cơ quan, công sở, trường học, các khu đất trống của các dự án, nhà riêng…
Điểm đỗ xe thông minh ứng dụng công nghệ Iparking trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn |
Nhằm giải quyết bài toán giao thông tĩnh, trong các giai đoạn vừa qua, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các đơn vị, doanh nghiệp tận dụng quỹ đất, từng bước đa dạng hóa phương thức trông giữ phương tiện như: Thí điểm phát triển các giàn đỗ xe cao tầng tại các phố Nguyễn Công Trứ, Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan; đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; ứng dụng công nghệ Iparking... Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn không đáp ứng kịp trước nhu cầu rất lớn của người dân Thủ đô.
Theo ông Ngô Quý Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình UBND thành phố phê duyệt trong thời gian tới.
Theo đó, các bãi đỗ xe công cộng được nghiên cứu bố trí tại các khu vực có nhu cầu đỗ cao, bán kính đi bộ khoảng 500m, gần các trung tâm thương mại, ga đường sắt đô thị, bến xe buýt, bãi trung chuyển phương tiện…
Đối với khu vực nội đô, do điều kiện hạn chế về quỹ đất nên cần tận dụng tối đa các điểm, bãi đỗ xe đã có.
Lời giải từ không gian ngầm
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có một số bãi đỗ xe ngầm công cộng được xây dựng cùng các khu đô thị, các công trình trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, như Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân), Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm)… Một số bãi đỗ xe công cộng ngầm dưới các khu vực quảng trường, vườn hoa, đường phố theo quy hoạch cũng đã được thành phố kêu gọi đầu tư và chấp thuận cho một số nhà đầu tư triển khai nghiên cứu thực hiện như: Bãi đỗ xe ngầm Cung thể thao Quần Ngựa, đường Trần Nhân Tông (khu vực trước Công viên Thống Nhất), Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám…
Cũng theo ông Ngô Quý Tuấn, việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn dài. Do đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa và xây dựng những mô hình quản lý, khai thác vận hành mạng lưới bãi đỗ xe ngầm sau đầu tư.
Trong quý II-2017, UBND TP Hà Nội cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án lựa chọn Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd thuộc Tập đoàn Nikken Sekkei (Nhật Bản) là nhà thầu tư vấn lập quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (tỷ lệ 1/2.000). Đồ án này sẽ là cơ sở quản lý, định hướng đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, giải quyết nhu cầu cấp bách của Thủ đô về bãi đỗ xe của nhân dân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đang trở thành vấn đề bức xúc dân sinh của thành phố.
Với quyết tâm và những giải pháp phù hợp, bài toán giao thông tĩnh đang hy vọng có được những lời giải hiệu quả.