Hà Nội tiếp tục xem xét điều chỉnh 53 nốt xe trên tuyến Hà Nội - Ninh Bình |
Trước đó, từ ngày 2/1/2017, Hà Nội đã thực hiện sắp xếp, điều chuyển lại các tuyến vận tải xe khách liên tỉnh ở các bến xe nhằm giảm ùn tắc giao thông và quá tải ở bến xe Mỹ Đình. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, chủ trương điều chuyển phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định theo đúng hướng tuyến đã đạt được thành công bước đầu với hơn 99% lượt xe chấp hành quy định. Tuy nhiên, đợt điều chuyển vừa qua chưa thực hiện với hơn 50 lốt xe chạy tuyến Hà Nội – Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình.
Từ thực tế này, có ý kiến cho rằng, Bộ GTVT, UBND Thành phố Hà Nội có sự ưu ái nhất định đối với các doanh nghiệp hoạt động trên tuyến Hà Nội – Ninh Bình. Giải thích về điều này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng hoàn toàn không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp của các tỉnh khác với doanh nghiệp khai thác tuyến Hà Nội – Mỹ Đình, mà chỉ thực hiện sau.
Ông Viện nói: Trong phương án điều chuyển luồng tuyến có 53 lốt của các doanh nghiệp Ninh Bình, chúng tôi đã cùng với Bộ GTVT thống nhất sẽ điều chuyển sau để giãn thời gian điều chuyển.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội đều thống nhất cho rằng, việc phân luồng, phân tuyến là một trong những biện pháp để Tp.Hà Nội giảm ùn tắc giao thông, hạn chế các tuyến xuyên tâm, các tuyến có nguy cơ ùn tắc giao thông, vì lợi ích chung của Thủ đô và phục vụ nhân dân đi lại tốt hơn.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm: Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp, một bộ phận người dân, nhưng chúng ta thực hiện việc này là đảm bảo được cái chung cho Tp.Hà Nội, phục vụ cái chung cho người dân Thủ đô và người dân các tỉnh khi tham gia giao thông tại Hà Nội được thuận lợi, an toàn hơn.
Để việc điều chuyển diễn ra thuận lợi, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các bến xe nâng cao chất lượng phục vụ, giám sát các loại lệ phí và giá dịch vụ tại các bến xe theo hướng giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải, đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xây dựng khung giá dịch vụ cho xe ra vào bến cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Mặc dù đồng thuận với việc điều chuyển của UBND Thành phố hà Nội, song một số doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng xe dù, bến cóc đang tồn tại một cách ngang nhiên. Trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, từ đợt điều chuyển diễn ra đầu năm nay, Thành phố Hà Nội cũng huy động một lực lượng lớn CSGT, Thanh tra giao thông liên tục tuần tra, kiểm soát và xử lý nạn xe dù, bến cóc, các phương tiện vi phạm về dừng đỗ trước cổng bến xe Mỹ Đình và khu vực đường Vành đai 3, nhưng đến nay xe dù, bến cóc vẫn hoành hành, khiến các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định rơi vào tình trạng khốn khó.
Ông Liên nói: Tình trạng xe dù bến cóc giả danh xe hợp đồng làm rối loạn quản lý vận tải, làm cho kinh doanh của các đơn vị bất hợp lý. Họ không thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh quy định nộp thuế. Đấy là cái nhức nhối nhất của các doanh nghiệp vận tải.
Để thực hiện việc điều chuyển một số phương tiện khai thác tuyến Hà Nội – Ninh Bình diễn ra thuận lợi, UBND Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và Công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình, xe chạy sai luồng tuyến và các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt tại các khu vực bến xe Mỹ Đình, dọc đường vành đai 3 đến bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát.