Nhiều khả năng, hãng xe danh tiếng Pháp Renault có thể sẽ biến mất khỏi thị trường trong thời gian tới. Renault đang chìm sâu vào khủng hoảng vì dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire đang nỗ lực tìm cách để hỗ trợ hãng xe vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ về khả năng khôi phục của Renault. Khi được hỏi về tương lai của hãng xe Pháp, ông Bruno Le Maire cũng đã chia sẻ trên sóng phát thanh của đài Europe 1: “Đúng thế, Renault có thể sẽ biến mất”.
Renault có 40 nhà máy và 13 cơ sở hàng vận đặt tại 16 nước với hàng chục ngàn lao động. Trong đó nhà máy tại Flins, ở tây bắc thủ đô Paris, là nơi Renault sản xuất các mẫu xe chạy điện Zoe và mẫu xe nhỏ Micra cho Nissan, sử dụng khoảng 2.640 lao động (tính đến cuối 2018).
Dịch Covid-19 đang khiến nhu cầu mua xe trên toàn thế giới sụt giảm, dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất của Renault và các thương hiệu ô tô khác. Đã có nhiều nhà máy của Renault phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Với mục tiêu thắt chặt chi tiêu để có thể tối ưu một khoản lên tới 2 tỷ USD vào năm 2022, nhiều nhà máy thuộc diện đóng cửa vĩnh viễn chứ không chỉ tạm thời.
Một trong những cơ sở sẽ gặp nguy hiểm là Dieppe – là nhà máy nhỏ nhất trong danh mục đầu tư của hãng với chỉ 400 nhân viên. Hai nhà máy nữa sẽ bị đóng cửa bao gồm Choisy-le-Roy với khoảng 250 nhân viên đi kèm nhiều máy linh kiện và Morbihan ở phía Tây nước Pháp với khoảng 400 nhân viên.
Ông Le Maire cho biết, nhà máy của Renault ở Flins, Pháp, không cần phải đóng cửa, và công ty có thể giữ bao nhiêu việc làm ở Pháp cũng được, nhưng cũng cho rằng công ty cần phải thay đổi để thích nghi và có khả năng cạnh tranh.
Tổng cộng, sẽ có 6 mẫu xe có nguy cơ phải dừng sản xuất bao gồm Megane, Koleos, Talisman, Scenic và Espace, tính cả mẫu xe Alpine A110.
Theo hãng tin Reuters, liên minh Renault - Nissan dự kiến sẽ công bố chiến lược mới vào giữa tuần này. Nissan là đối tác quan trọng, và đã liên minh sản xuất ô tô cùng hãng xe Pháp trong suốt hai thập kỷ qua. Nếu đúng như dự kiến, chiến lược mới sắp ban hành sẽ đánh dấu sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa hai bên, vốn đang “căng thẳng” sau khi chủ tịch Carlos Ghosn bị cáo buộc gian lận tài chính vào tháng 11/2018.
Hiện tại, Renault có một phần sở hữu thuộc chính phủ Pháp, đang được đảm bảo cho khoản vay trị giá 5 tỷ Euro, để giúp hãng này đối phó với những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra. Chính Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire là người đang cân nhắc gói vay giúp Renault vượt qua giai đoạn khủng hoảng.Tuy nhiên, hãng này vẫn chưa đồng ý ký do một số điều khoản được cho là không hợp lý.
Phương Huyền