Dự kiến đầu năm 2019, dự án Cam Lộ - La Sơn sẽ khởi công xây dựng (Trong ảnh: Dự án BTLa Sơn - Túy Loan đang thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2018) - Ảnh: Xuân Huy |
Các Ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện
Bộ GTVT vừa ban hành các quyết định về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi của 8 dự án PPP và chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đối với 3 dự án đầu tư công thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo quyết định của Bộ GTVT, đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhiệm vụ chủ đầu tư trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi được giao cho 6 Ban QLDA (PMU) thuộc Bộ GTVT. Trong đó, PMU Thăng Long và PMU6 mỗi đơn vị được giao hai dự án. Cụ thể, PMU Thăng Long làm chủ đầu tư bước báo cáo nghiên cứu khả thi hai dự án Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) và Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Bình Thuận); còn Ban QLDA6 thực hiện hai dự án: Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) và Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
Dự án nằm trọn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là QL45 - Nghi Sơn được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA2. Còn lại 3 dự án: Nha Trang (Khánh Hòa) - Cam Lâm (Khánh Hòa); Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Ninh Thuận) và Vĩnh Hảo (Ninh Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) được Bộ GTVT trao lần lượt cho PMU đường Hồ Chí Minh, PMU85 và PMU7.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ ưu tiên đầu tư trước 11 dự án thành phần dài 654km (tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng) của một số đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam gồm: 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Còn lại 3 dự án thành phần: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2 được đầu tư theo hình thức đầu tư công. |
“Các Ban QLDA khẩn trương thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan theo quy định; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án liên quan và các thủ tục theo quy định, trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Đối với 3 dự án cao tốc thực hiện đầu tư theo hình thức đầu tư công, có 2 dự án được giao cho hai Ban QLDA thuộc Bộ GTVT thực hiện vai trò chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án là Cam Lộ - La Sơn (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) và cầu Mỹ Thuận 2 (Ban QLDA7), còn lại dự án Cao Bồ - Mai Sơn được giao cho Sở GTVT Ninh Bình thực hiện.
“Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm tận dụng toàn bộ kết quả nghiên cứu đã có của dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, thực hiện rà soát, cập nhật và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ yêu cầu”, quyết định do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký nêu rõ.
Tương tự, với dự án cầu Mỹ Thuận 2, người đứng đầu ngành GTVT cũng chỉ đạo, Ban QLDA7 có trách nhiệm tổ chức triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Chậm nhất tháng 5/2018, phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tiên
Được đánh giá là một trong những PMU lớn nhất và có nhiều kinh nghiệm, năng lực trong công tác quản lý, điều hành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng của Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long đang rốt ráo chuẩn bị các thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long nói: “Chúng tôi đang cập nhật lại hồ sơ dự án tiền khả thi để phù hợp với thực tế và các quy định hiện hành. Mỗi dự án do chúng tôi thực hiện đều đi qua hai tỉnh, thành nên phải xây dựng khung chính sách và đánh giá tác động môi trường. Dự kiến trong quý I/2018, hồ sơ của hai dự án sẽ xong và chậm nhất đến cuối tháng 5/2018, khung chính sách và đánh giá tác động môi trường của các dự án hoàn thành để trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi”.
Cũng theo ông Roãn, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, Ban QLDA Thăng Long sẽ lập hồ sơ sơ tuyển và thiết kế kỹ thuật để tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án.
Không giống PMU Thăng Long, dự án Cam Lộ - La Sơn đang được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát và hoàn thiện lại bước lập dự án đầu tư để trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 3/2018.
“Sau đó, chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp cho dự án. Dự kiến, đầu năm 2019, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ tiến hành khởi công xây dựng”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói và cho biết, dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cũng đang được khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT phê duyệt trong quý II/2018.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách của dự án cao tốc Bắc - Nam trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm đảm bảo triển khai các dự án một cách minh bạch, hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Cụ thể, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ tiến hành đấu thầu công khai các dự án để lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế kỹ thuật; tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên 20% để đảm bảo lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng năng lực tài chính…
“Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt các Ban QLDA, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án, chậm nhất tháng 5/2018, dự án đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi (F/S) chuẩn bị triển khai xây dựng”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm, Bộ GTVT cũng sẽ tiến hành làm việc với các địa phương để đưa ra các phương án nhằm triển khai công tác GPMB ngay khi dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo sau khi dự án lựa chọn được nhà đầu tư sẽ có mặt bằng sạch thi công, rút ngắn tiến độ, đảm bảo thời gian hoàn thành theo yêu cầu đề ra.