Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ sáu ban đầu không quy định điểm, trừ điểm GPLX. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ Công an đã đánh giá và nhận thấy “việc quy định điểm, trừ điểm GPLX vào dự luật là cần thiết”.
Hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém, dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông cao (trên 3 triệu trường hợp mỗi năm) và tai nạn giao thông nghiêm trọng (chủ yếu do lỗi người lái xe).
Ngoài ra, việc quản lý người lái xe sau khi được cấp GPLX còn lỏng lẻo, chưa có biện pháp phù hợp để đảm bảo họ chấp hành pháp luật. Học hỏi từ các nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, dự thảo Luật đề xuất áp dụng quy định trừ điểm GPLX đối với những hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.
Bộ Công an khẳng định trừ điểm GPLX là biện pháp quản lý nhà nước (không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc trừ điểm sẽ tác động đến hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Bằng lái xe tại Nhật Bản. |
Theo dự kiến, mỗi người lái xe sẽ có 12 điểm/năm. Nếu bị trừ hết điểm trong một năm, họ phải thi lại GPLX. Việc trừ điểm sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của từng hành vi vi phạm. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe vẫn được phép điều khiển phương tiện. Sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu GPLX còn điểm, người lái xe sẽ được phục hồi 12 điểm.
Bộ Công an cho rằng việc trừ điểm GPLX không tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân, nhưng vẫn đảm bảo quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.