Không thể... bắt lỗi! Khoảng 2 năm trở lại đây, tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lượng xe hợp đồng dưới 10 chỗ (thường gọi là xe limousine) tăng chóng mặt và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng nói, các phương tiện này thực chất là xe 16 chỗ hoán cải để lách luật, len lỏi mọi ngõ ngách trong thành phố đưa đón khách liên tỉnh như tuyến cố định.
Xe hợp đồng trá hình đón khách trước cửa một công ty vận tải trên đường Giải Phóng. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GT-VT Hà Nội thừa nhận, loại hình này đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô vốn đã quá tải. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt với các lỗi dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định. Sở GT-VT Hà Nội đã nhiều lần tham mưu, kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng sớm xem xét, sửa đổi luật để quản lý chặt hơn. Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt 116 trường hợp đón trả khách sai quy định, 232 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 71 trường hợp không có hợp đồng vận chuyển hành khách... Theo Sở GT-VT Hà Nội, riêng với loại hình xe hợp đồng dưới 10 chỗ, đến nay Sở đã cấp phù hiệu cho hơn 9.300 xe. Dù biết không ít trong số này sẽ chạy "dù", hoặc chạy trá hình, nhưng theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý vẫn phải cấp phép. Trong quá trình hoạt động, rất khó để xử lý do loại hình vận tải này không thuộc diện bị cấm vào nội thành (hiện chỉ cấm xe trên 16 chỗ hoặc trên 24 chỗ). Những loại xe này chạy gần như xe khách tuyến cố định nhưng núp bóng hợp đồng vì theo quy định, xe dưới 10 chỗ không phải thông tin về hợp đồng trước chuyến đi. Muốn xử lý hiện tượng này, theo Sở GT-VT, chưa biết quy chiếu vào quy định nào để bắt lỗi. Đại diện một số doanh nghiệp vận tải bức xúc, do không phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ như các loại hình vận tải khác, nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp mua xe 16 chỗ, sau đó cải tạo thành xe dưới 10 chỗ, đồng thời còn chuẩn bị sẵn hợp đồng đưa cho lái xe để lách luật và ung dung vận chuyển hành khách tuyến cố định. Hiện tượng này đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc và gây thất thu thuế. Hoàn thiện khung pháp lý theo hướng chặt chẽ Thừa nhận những bất cập mà loại hình xe hợp đồng limousine gây ra, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) cho biết, Bộ đang khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP trình Chính phủ phê duyệt. Theo luật, xe tuyến cố định chạy từ bến tới bến theo một hành trình cố định, trong khi xe hợp đồng là xe được vận chuyển theo nhu cầu của hành khách và hai bên phải ký hợp đồng với nhau. Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến các hiệp hội vận tải, doanh nghiệp và tổng hợp lại để khắc phục hiện tượng "lách luật" của xe hợp đồng. Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung quy định những trường hợp nào là vi phạm và sẽ kiểm soát thông qua thiết bị giám sát hành trình. "Trước khi xuất hành, xe hợp đồng phải có văn bản thông báo gửi về Sở GT-VT. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc nhắn thông tin đến Sở là rất đơn giản, không phiền hà. Ngoài ra, nếu là xe hợp đồng mà khi xe đi được 1/3 đoạn đường, lái xe mới đưa ra giấy tờ cho hành khách ký thì không thể coi là hợp đồng chuẩn. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86, Bộ GT-VT cũng mạnh dạn đưa ứng dụng hợp đồng điện tử vào áp dụng" - ông Ngọc nhấn mạnh. Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Nghị định 86 sửa đổi sẽ hoàn thiện theo hướng xe hoạt động phải có biển hiệu, hợp đồng nhằm tránh tình trạng xâm hại quyền lợi của khách, đồng thời xử lý nghiêm nhà xe không chấp hành quy định. Bộ sẽ nghiên cứu cho phép sử dụng hợp đồng điện tử. Trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi. Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê hay hợp tác kinh doanh để chống “xe dù, bến cóc”. Trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau. Đặc biệt, hợp đồng vận tải phải được ký trước khi vận chuyển hành khách; và hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, tới đây sẽ ngăn chặn xe hợp đồng lách luật bằng cách đưa loại xe từ 8 chỗ trở lên vào diện bắt buộc phải thông báo về hai đầu bến thông tin trước mỗi chuyến đi. |