Mặc dù đa số các nhà máy lớn của Mercedes-Benz đã tạm dừng hoạt động, Daimler - tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz vừa đưa ra tuyên bố rằng họ và những thương hiệu con của mình không cần tiền trợ giúp của chính phủ hay các đơn vị ngoài, ít ra là trong tương lai gần.
Mercedes-Benz tuyên bố không cần tiền trợ giúp của chính phủ hay các đơn vị ngoài trong tương lại gần. |
Cơ sở để tập đoàn đưa ra lời tuyến bố như vậy là vì các dây chuyền lắp ráp xe Mercedes-Benz đặt tại Trung Quốc đang tái khởi động. CEO Kallenius cho biết: "Các đại lý của chúng tôi đã mở cửa trở lại gần hết, khách hàng cũng đang tự tin quay trở lại showroom, mỗi ngày con số người ghé thăm đại lý lại tăng lên và chúng tôi có quyền lạc quan về tình hình tại đó". Với tín hiệu lạc quan như vậy, hứa hẹn đầu tháng 4, doanh số Mercedes-Benz sẽ cải thiện dần do nhu cầu mua xe của người dân đang trở về quỹ đạo vốn có.
Hơn nữa, từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Mercedes-Benz đã mạnh tay triển khai những kế hoạch cắt giảm chi phí như thu gọn đội hình, số tùy chọn khung gầm/động cơ để dồn sức cho các dòng tên sinh lợi nhuận lớn nên áp lực chi tiêu cho họ cũng giảm phần nào.
Cũng trong đại dịch, bất chấp Covid-19, hãng xe Nhật - Suzuki đang tiến hành xây dựng thêm nhà máy ở Myanmar với vốn đầu tư khoảng 12 tỷ yên (hơn 2.000 tỷ đồng), quy mô 200.000m2. Nhà máy mới chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hàn, sơn và lắp ráp khâu cuối cùng các sản phẩm ô tô Suzuki. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9/2021, có công suất 40.000 xe mỗi năm.
Suzuki hiện có 2 nhà máy ở Myanmar để sản xuất ô tô Carry, Ciaz, Ertiga và Swift. Myanmar đã tạm dừng cho phép công dân nước ngoài vào nước này thông qua các tuyến đường bộ do sự lây lan của virus corona. Mặc dù vậy, Suzuki vẫn tiến hành xây dựng nhà máy theo kế hoạch để phục vụ nhu cầu mua ô tô ngày càng tăng của thị trường Đông Nam Á.
Thu Huyền