Giống như xì gà hay Che Gueva, xe cổ là một biểu tượng của Cuba, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho thủ đô xinh đẹp Havana. Ở đất nước anh hùng này tồn tại cụm từ “ngành công nghiệp xe hơi cổ điển”, mang ý nghĩa chính trị và lịch sử sâu sắc. Những chiếc xe cổ xuất hiện trên đường phố Cuba là một hiện vật văn hóa quan trọng.
Giống như xì gà hay Che Gueva, xe cổ là một biểu tượng của Cuba |
Lịch sử xe hơi ở Cuba
Cuba chưa bao giờ có ngành công nghiệp sản xuất ô tô, vì vậy những chiếc xe đi lại trên quốc giá này hoàn toàn được nhập khẩu. Trong Chiến tranh Cuba - Tây Ban Nha - Mỹ, chiếc ô tô đầu tiên cập cảng Cuba là La Parisienne, từ một nhà sản xuất ít tên tuổi của Pháp vào năm 1898. Tuy nhiên, sau khi chuyển giao thế kỷ, nguồn cung cấp ô tô và phụ tùng chính của Cuba là Hoa Kỳ.
Tính đến năm 1919, Cuba là đất nước nhập khẩu ô tô và phụ tùng từ Mỹ lớn nhất ở Mỹ Latinh, thậm chí lọt top các quốc gia có số lượng xe trên đầu người cao nhất thế giới. Đầu thế kỷ 20, Ford Model T cổ điển đã có mặt khắp nơi trên các đường phố của Cuba, với cái tên thân mật là Fotingo.
Trong khoảng thời gian này, Cuba được chọn làm phép thử cho nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ, vì vậy những chiếc xe hơi thường có sẵn ở Cuba trước khi bán ra các thị trường khác. Nhiều "ông lớn" như Ford, Chevrolet, Cadillac và Chrysler thường vận chuyển các mẫu xe mới nhất của họ đến các cảng cực nam của Hoa Kỳ và hàng sẽ đến Havana trong vòng vài ngày sau đó. Tính đến năm 1956, có hơn 140.000 xe ô tô ở Cuba, trong đó khoảng 90.000 chiếc có mặt trên các đường phố của Havana.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi kể từ khi Cách mạng Cuba 1959 diễn ra. Chiến tranh Lạnh bắt đầu và người ta được chứng kiến sự thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô của hòn đảo này. Fidel Castro ra lệnh cấm vận đối với Hoa Kỳ và hàng nhập khẩu nước ngoài. Lệnh cấm ban hành, không một chiếc xe hơi Mỹ nào được phép nhập về, thậm chí cả phụ tùng có xuất xứ từ Mỹ cũng bị cấm cửa. Vì thế, những chiếc ô tô rỉ sét, hỏng hóc tại Cuba chỉ có hai lựa chọn, một là bỏ không trong gara, hai là được sửa chữa một cách chắp vá từ các bộ phận sẵn có.
Không đành lòng nhìn những chiếc xe “chết” dần trong gara, người dân Cuba buộc phải trở thành thợ máy và tìm cách giúp cho chiếc ô tô của mình hoạt động bình thường. Những phụ tùng xuất xứ Mỹ bị cấm khiến họ phải sử dụng những bộ phận thu thập được từ xe Nga và Trung Quốc, phổ biến là xe Ladas, Volgas và Geelys. Đây cũng là lý do khiến những chiếc xe cổ điển ở Havana thường mang màu sắc sặc sỡ. Trong quá khứ, người dân nơi đây tìm cách che giấu các vết tích của sự chắp vá, sửa chữa bằng việc phủ màu sơn bên ngoài thật đa dạng. “Bảo tàng xe hơi cổ” đang lăn bánh ở Cuba ngày nay là một lời nhắc nhở về sự khéo léo và tinh thần cách mạng đang tồn tại ở đất nước này.
Sự hồi sinh của xe hơi cổ điển
Năm 2016, anh trai của Fidel Castro, Raul Castro, đã nới lỏng nhu cầu được phép mua ô tô nước ngoài và cuối cùng đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ô tô và phụ tùng của Mỹ. Một làn gió mới tràn tới quốc gia này, trên các đường phố, bên cạnh những chiếc xe cổ điển, những chiếc xe mới đã bắt đầu xuất hiện.
Nhiều người lo ngại điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp xe hơi cổ điển của Cuba. Nhưng không! Người dân nơi đây dành tình yêu đặc biệt cho những chiếc xe cũ, coi nó như một biểu tượng và là nét văn hóa ấn tượng phục vụ cho ngành du lịch. Hơn thế nữa, những chiếc xe cổ giải quyết được vấn đề nan giải nơi đây: chi phí mua xe mới.
Nhập khẩu ô tô mới vẫn bị quản lý chặt chẽ khi nhà nước nắm độc quyền việc bán xe hơi tại Cuba. Điều này kéo theo việc giá xe nhập khẩu bị đẩy lên rất cao. Một chiếc Peugeot 508 thường có giá bán lẻ 29.000 USD, khi về Cuba bị đội lên tới 262.000 USD, trong khi mức thu nhập trung bình của người dân nơi đây chỉ khoảng 20 USD/tháng.
Không thể mua xe mới, người dân Cuba vẫn tìm được niềm vui với xe cổ. Việc phải sửa chữa thường xuyên những chiếc ô tô cũ đã trở thành thói quen của họ. Hơn thế nữa, xe cổ là một nét văn hóa đặc trưng và mang đến thu nhập cho người dân bản địa. Kể từ năm 2019, khách du lịch có thể thuê một chiếc xe hơi cổ điển tự lái để di chuyển quanh đảo. Giá thuê không hề rẻ, nhất là với những chiếc xe hiếm, không mấy phổ biến.
Nidialys Acosta, ông chủ của Nostalgicar, nơi cho khách du lịch trên đảo thuê những chiếc xe hơi cổ điển của Cuba, cho biết: “Với những chiếc xe này, bạn luôn cần phải làm gì đó. Ví dụ, chúng tôi đã hoàn thành việc khôi phục chiếc Chevrolet Bel Air đời 1955 cách đây 3 năm. Bây giờ chúng tôi phải sơn lại nó, phục hồi động cơ và sửa chữa thân xe. Công việc này không bao giờ kết thúc!".
Theo BuzzDrives
Phương Huyền