Trao đổi với phóng viên (PV), anh Nguyễn Xuân Giao (31 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cho biết, do đặc thù công việc, anh thường xuyên phải tự lái ô tô đi gặp gỡ khách hàng. Nhiều khi phải giao lưu và không tránh khỏi việc phải uống vài chai bia. “Thấy báo chí nêu, chỉ uống 1 chai bia là dính ngưỡng vi phạm, bị giam xe 7 ngày, giam bằng lái 2 tháng, đóng phạt 2,5 triệu đồng mà mình cũng thấy sợ. Có lẽ phải tính đến chuyện đi taxi hoặc thuê người lái theo chuyến chứ công việc của mình khó tránh hoàn toàn được rượu, bia”, anh Giao nói.
CSGT TP HCM đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại nhiều tuyến đường. (Ảnh: Báo Thanh niên) |
Cũng lo ngại chuyện giữ xe vì nồng độ cồn nhưng vấn đề với ông Nguyễn Hồng Chương (SN 1967, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) lại khác.
“Nhà tôi có 4 xe ô tô loại 5 chỗ chuyên cho thuê. Lúc thuê xe họ không uống rượu, bia, còn khi đã nhận xe, họ làm gì thì ai mà biết được. Nếu không may người thuê xe sử dụng bia, rượu mà bị CSGT bắt phạt, giam xe thì phiền toái lắm. Chắc tôi phải tính lại việc sửa nội dung hợp đồng và kén chọn người thuê hơn”, ông Chương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, việc CSGT triển khai phương pháp đo nồng độ cồn theo chuẩn quốc tế một cách đại trà sẽ giúp kiểm soát và siết chặt hơn tình trạng lái xe lạm dụng các chất có cồn để kéo giảm tình trạng vi phạm luật và gây ra TNGT trên địa bàn thành phố.
Ông Tường cũng cho rằng, phương pháp đo nồng độ cồn theo kiểu mới cần được triển khai thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài mới đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, CSGT cần chọn các tuyến đường phù hợp để kiểm tra, xử lý, tránh gây thêm áp lực ùn tắc cho giao thông thành phố…