Hà Nội: Dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT02 Kim Mã - Hòa Lạc Grab "giả" lộng hành Bến xe miền Đông và Tân Sơn Nhất Dân đổ về quê nghỉ Tết, bến xe vắng chưa từng thấy |
Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, điều hành giao thông và bảo đảm công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Trong các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tới đây sẽ kiến nghị Bộ GT-VT và Chính phủ bổ sung quy định màu biển số riêng là màu vàng với toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải để phân biệt với xe cá nhân. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe kinh doanh vận tải hiện được cấp phù hiệu lên đến 7 năm. Khi phù hiệu bị mờ hoặc lái xe không dán phù hiệu sẽ gây khó khăn cho lực lượng chức năng do không biết được xe đó có kinh doanh vận tải hay không.
Khi quy định màu biển riêng, lực lượng chức năng sẽ biết ngay đó là xe kinh doanh vận tải, dễ dàng xử phạt phương tiện vi phạm, đồng thời giúp cơ quan quản lý thuận lợi trong tổ chức, điều hành giao thông...
Thừa nhận những khó khăn này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, trong đó có Uber, Grab hoạt động tại 11 tuyến phố trung tâm trong các khung giờ cao điểm giống như taxi; yêu cầu các công ty kinh doanh xe hợp đồng phải dán phù hiệu trên xe.
Tuy nhiên, có một thực tế là không ít xe hợp đồng Uber, Grab dán phù hiệu rất nhỏ và vẫn tìm cách qua mặt lực lượng chức năng để đón, trả khách trên các tuyến phố cấm. Do đó, việc đồng nhất một màu sơn riêng cho biển số xe kinh doanh vận tải là cấp thiết.
Từng sống nhiều năm ở nước ngoài, ông Phạm Hùng, Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ, có những nước, những thành phố quy định rõ xe kinh doanh (ví dụ taxi) phải cùng chung màu biển số, màu sơn. Quy định này giúp cơ quan chức năng thuận tiện trong khâu quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm, người dân cũng dễ dàng phân biệt để gọi xe khi có nhu cầu.
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thời gian qua phương tiện cá nhân gia tăng rất nhanh. Nhiều người trong số đó mua xe ô tô để đăng ký chạy Uber, Grab dẫn tới dư thừa nguồn cung và làm gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông. Vì vậy, khi quy định màu biển số xe thì chỉ những người thực sự có nhu cầu mới mua xe để kinh doanh.
Trước việc nhiều xe Uber, Grab không dán phù hiệu, hoặc phù hiệu nhỏ khó nhận biết vẫn ngang nhiên đón, trả khách trên 11 tuyến phố cấm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bức xúc: Không dễ cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, vì xe hợp đồng dưới 9 chỗ khi bỏ tem, bỏ logo sẽ không phân biệt được với xe cá nhân.
Do đó, cần sớm có quy định một loại biển số chung nhằm bảo đảm công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, nếu xe kinh doanh được cấp biển số chung một màu sẽ giúp loại bỏ logo, phù hiệu rườm rà, gây lãng phí.
Ủng hộ chủ trương này, một số ý kiến nhấn mạnh, đây là giải pháp tốt nhằm loại bỏ tình trạng xe “dù”, xe chở khách “trá hình”. Tuy nhiên, cần có phương án khuyến khích chuyển đổi biển số để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân. Với số lượng lớn xe kinh doanh vận tải trong cả nước, doanh nghiệp sẽ mất chi phí lớn do mất nhiều thời gian đăng ký lại biển số, các thủ tục tại ngân hàng và xe phải dừng kinh doanh trong thời gian chờ thay đổi biển số.