Ssangyong Korando 2019 ra mắt với động cơ tăng áp 1.5L Xem trước Ssangyong Korando 2020 trước thềm triển lãm Geneva Bắt gặp Ssangyong Tivoli 2019 thử nghiệm ở Hàn Quốc |
Hãng ô tô Hàn Quốc SsangYong vừa nộp đơn xin phá sản vì không thể trả được khoản nợ khoảng 60 tỷ Won (tương đương 54,44 triệu USD). Trong thông báo gửi đi, hãng xe Hàn cho biết: "SsangYong đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án trước nguy cơ mọi hoạt động bị gián đoạn vì công ty không thể đạt được thỏa thuận gia hạn khoản vay với các ngân hàng nước ngoài".
Tuần trước, Mahindra & Mahindra - công ty Ấn Độ (hiện đang nắm giữ 74,65% cổ phần của SsangYong) đã tiết lộ thời hạn thanh toán khoản vay là ngày 14/12/2020. SsangYong hiện đang nợ ngân hàng Bank of America Corp số tiền 30 tỷ Won (27 triệu USD), nợ ngân hàng JPMorgan Chase & Co 20 tỷ Won (18 triệu USD), đồng thời nợ BNP Paribas 10 tỷ Won (9 triệu USD).
Rơi vào tình trạng "nợ nần chồng chất" nhưng lượng xe SsangYong bán ra trong giai đoạn từ tháng 1-11/2020 chỉ đạt 96.825 xe, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. SsangYong cũng cho biết hãng đã sử dụng một chương trình hỗ trợ tái cơ cấu tự quản để có thêm 3 tháng đàm phán với các cổ đông, bao gồm cả chủ nợ nhằm giải quyết vấn đề để trì hoãn phán quyết của tòa.
Mahindra đã mua cổ phần của SsangYong vào năm 2010 nhưng gặp khó khăn trong việc vực dậy thương hiệu này. Hãng Mahindra từng tuyên bố sẽ đổ khoảng 423 triệu USD vào SsangYong để công ty này sinh lời vào năm 2022 nhưng tất cả không thánh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vào tháng 4/2020, Mahindra quyết định sẽ không tiếp tục đầu tư cho SsangYong nữa và đề nghị thương hiệu Hàn Quốc tìm nguồn vốn nơi khác. Đến tháng 6/2020, Mahindra đã bán phần lớn cổ phần trong hãng SsangYong của mình.
Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết thêm: "Dù SsangYong nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa, việc thương thuyết để bán thương hiệu này vẫn được tiếp tục."
Thu Hằng