Vụ bê bối khí thải của Volkswagen đang khiến hãng xe Đức này phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng: cổ phiếu lao dốc không phanh, ban giám đốc đối mặt với những cáo buộc hình sự cùng khoảng đền bù khổng lồ lên đến hàng chục tỷ USD, đưa hãng xe đến bờ vực phá sản. Không dừng ở đó, vụ việc này còn là một đòn trời giáng xuống ngành công nghiệp ôtô Đức, vốn tự hào về uy tín và công nghệ của mình, dẫn tới những tổn thất liên đới đến các hãng khác. Tuy nhiên, đó chỉ là những hệ lụy tức thời. Vụ gian dối này sẽ khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới quay lưng lại với động cơ dầu diesel – vốn đang bị ‘soi’ khá kỹ trong thời gian gần đây xoay quanh mức độ ô nhiễm của nó. Trong trường hợp xấu nhất, động cơ máy dầu có thể sẽ bị xóa sổ.
Năm nhà nghiên cứu ‘hạ bệ’ cả một tập đoàn
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2014, khi năm nhà nghiên cứu của Đại Học West Virginia tiến hành một cuộc thử nghiệm đánh giá mức khí thải của các xe máy dầu Châu Âu đang lưu hành trên đất Mỹ. Đây là lần đầu tiên một cuộc thử nghiệm khí thải được tiến hành trên đường chạy chứ không phải trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu bao gồm hai giáo sư, hai sinh viên và một kỹ sư cơ khí, với mục đính ban đầu là thu thập càng nhiều dữ liệu kỹ thuật về xe càng tốt để chứng minh rằng dầu diesel ít ô nhiễm hơn xăng. Chẳng ai trong số họ ngờ rằng mình sắp lột trần vụ gian dối lớn nhất lịch sử công nghiệp ôtô thế giới.
Daniel Carder, người đứng đầu nhóm nghiên cứu
Ba mẫu xe được sử dụng bao gồm BMW X5, Volkswagen Passat và Volkswagen Jetta. Trải qua hành trình 2400km, trong khi BMW X5 cho ra kết quả tương đồng với số liệu hãng đã công bố, thì chiếc Passat lại khiến nhóm nghiên cứu rất đỗi ngạc nhiên. Theo những gì VW công bố, cũng như việc sở hữu một hệ thống cắt giảm khí thải tân tiến, Passat phải là mẫu xe ít ô nhiễm nhất trong cả ba. Đàng này kết quả cho thấy mẫu sedan này thải ra lượng nitơ ôxít cao gấp 20 lần mức cho phép. Tiếp đến, chiếc Jetta cũng cho ra mức khí thải gấp 30 lần con số do VW cung cấp.
Volkswagen Passat có mức khí thải cao gấp 20 lần mức cho phép
Khi những kết quả nghiên cứu này đến tai EPA (Ủy ban an toàn khí thải Mỹ) vài tháng sau đó, cơ quan này đã lập tức mở một cuộc điều tra. Trước việc bị chất vấn, Volkswagen đã đổ lỗi cho nhưng sai sót về kỹ thuật và phần mềm, nhưng vẫn chủ động triệu hồi gần 500.000 xe để sửa chữa. Thế nhưng, VW đã không hề sửa chữa bất cứ thứ gì. EPA tiếp tục mở rộng cuộc điều tra và phát hiện ra một phần mềm được cài đặt trên các xe của Volkswagen, có khả năng nhận biết khi nào xe đang bị kiểm tra trên máy thử, từ đó bật hệ thống kiểm soát khí thải lên.
Thiết bị đo khí thải gắn trên các xe thử nghiệm
Đến tháng 9 năm nay, khi EPA trưng ra một loạt những bằng chứng không thể chối cãi, hãng xe Đức đã buộc phải thừa nhận họ đã dùng phần mềm phạm pháp để gian dối trong quá trình kiểm định khí thải.
Volkswagen đã gian dối như thế nào?
Hãng xe Đức đã cài một phần mềm tối tân vào các xe trang bị động cơ TDI 2,0L bốn xi-lanh đời 2009-2015 của mình. Phần mềm này theo dõi vị trí của bánh, vận tốc xe chạy, thời gian hoạt động của máy cùng một số thuật toán khác để xác định xem xe có đang được thử nghiệm trên máy hay không. Ngay khi nhận ra xe không phải đang chạy trên đường, phần mềm này lập tức đưa động cơ vào ‘chế độ thử nghiệm’, điều chỉnh công suất, giảm nhiệt độ máy, bật các hệ thổng kiểm soát dẫn tới mức khí thải cũng được cắt giảm đáng kể. Dĩ nhiên nếu thực hiện điều này trong điều kiện lái thông thường sẽ ảnh hưởng lớn đến công suất cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Điều này giúp cho VW vượt qua được quy trình kiểm định của EPA. Trên thực tế, các mẫu xe Volkswagen Jetta, Beetle, Passat, Golf và Audi A3 thải ra lượng nitơ ôxít cao gấp 10-40 lần quy định của chính phủ Mỹ.
Kiểm định trong phòng thí nghiệm, các xe của VW vẫn đạt chuẩn
Khi bị EPA làm sức ép đe dọa sẽ không chứng nhận các đời xe 2016 sắp tới của VW thì bấy giờ hãng xe Đức mới thú nhận những sai phạm của mình. Tổng cộng có 482.000 xe VW và Audi sử dụng động cơ TDI 2,0L được bán ra tại Mỹ, tất cả trong số này đều đã gian dối mức khí thải. Ngay khi vụ việc vỡ lỡ, Volkswagen lại tiếp tục làm cả thế giới chấn động khi thừa nhận có đến 11 triệu xe được cài phần mềm kể trên, được bán ra toàn cầu tại các thị trường khác như Châu Âu và Úc.
Hệ lụy khổng lồ cả về tài chính
Sau khi vụ bê bối này được phanh phui chỉ vài ngày, cổ phiếu của tập đoàn Volkswagen đã liên tục lao dốc đến 38%. Như vậy, chỉ trong vài tuần VW đã mất đi một phần ba giá trị, dẫn đến thiệt hại to lớn cho các nhà đầu tư. Các thương hiệu xe Đức khác dù không liên quan cũng đã phải chịu tổn thất liên đới: cổ phiếu của Daimler AG, công ty mẹ của Mercedes-Benz, giảm 7%; cổ phiếu của BMW giảm 6%.
Giá cổ phiếu VW lao dốc không phanh
Về phần thị trường Mỹ, theo luật nơi đây thì VW phải chịu mức phạt hơn 30.000 USD cho mỗi xe, tổng cộng vào khoảng 18 tỷ USD. Đây là chưa kể đến chi phí triệu hồi, sửa chữa – dự kiến sẽ ngốn của VW hàng ngàn USD mỗi xe. Không dừng ở đó, Jetta TDI và Jetta TDI Sportwagen vốn được chính phủ Mỹ ưu đãi thuế 1300 USD mỗi xe nhờ vào đánh giá ‘xanh’ của cả hai; giờ đều nếu bị truy thu sẽ khiến Volkswagen thiệt hại thêm khoảng 54 triệu USD. Bản thân Volkswagen cũng đã cắt ra một khoản ngân sách dự trù 7,3 tỷ USD -tương đương một năm lợi nhuận - để đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, con số này chưa tính đến việc các chủ sở hữu xe VW có thể đâm đơn kiện đòi bồi thường. Hiện tại Volkswagen đã chỉ đạo các đại lý ngưng bán ra các xe TDI 2,0L – vốn chiếm hơn 20% tổng doanh số của hãng tại Mỹ.
Động cơ TDI 2,0L là thế mạnh của VW tại Mỹ
Tuy nhiên, với 11 triệu xe trang bị phần mềm bất hợp pháp và các nước khác đang bắt đầu mở cuộc điều tra, những con số trên có thể tăng lên từng ngày. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo thảm họa ngành ôtô này có nguy cơ trở nên lớn hơn cả việc Hy Lạp vỡ nợ. Tập đoàn VW có khả năng phải tốn đến gần 80 tỷ USD.
Volkswagen đang sa vào một vũng lầy nghiêm trọng
Sau buổi xin lỗi trước công chúng, Tổng Giám Đốc Martin Winterkorn của Volkswagen đã tuyên bố từ chức. Thế nhưng, ông này và ban giám đốc của hãng có thể sẽ phải chịu những cáo buộc hình sự từ Sở Tư Pháp Mỹ. Cơ quan này đang tiến hành điều tra hình sự để kết luận xem liệu lãnh đạo VW có cố tình chỉ đạo việc gian dối khí thải hay không.
CEO Martin Winterkorn đã đệ đơn từ chức
Tại Châu Âu, những hậu quả này còn khôn lường hơn. Đây là một đòn đau dành cho ngành công nghiệp ôtô Đức vốn luôn tự hào về chất lượng và uy tín. Cách đây vài ngày, cái tên Volkswagen được xem là tượng đài của sự tin cậy và tính ưu việt của xe Đức. Chỉ trong chưa đầy một tuần, biểu tượng “Made in Germany” đã bị ô uế vĩnh viễn. Đây hiện tại chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, khó ai có thể đánh giá được những hệ lụy dài lâu mà vụ bê bối này sẽ tác động đến ngành công nghiệp nước này. Chính quyền Đức đang tiến hành điều tra trên diện rộng, bản thân Thủ Tướng Angela Merkel cũng lên tiếng kêu gọi Volkswagen không tiếp tục che giấu mà hãy chủ động làm sáng tỏ mọi việc.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel kêu gọi VW hãy tuyệt đối trung thực
Tập đoàn Volkswagen đang là chủ sử dụng lao động lớn nhất nước Đức với hơn 270.000 lao động trực tiếp. Nhưng có thể đến gần 1 triệu nhân công của ngành công nghiệp ôtô sẽ bị ảnh hưởng.
Ngày tàn của dầu diesel
So với động cơ máy xăng, máy dầu có công suất cao hơn cũng như vận hành tiết kiệm hơn. Cùng một lượng nhiên liệu tiêu thụ, động cơ diesel có thể thực hiện quãng đường dài hơn 30% trong khi mức khí thải CO2 lại thấp hơn xăng. Thế nhưng, dù tiết kiệm và hiệu quả hơn, động cơ dầu diesel lại thải ra lượng nitơ ôxít cao gấp nhiều lần. Cả hai loại khí thải trên đều gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Động cơ diesel thải ra lượng nitơ ôxit cao gấp nhiều lần xăng
Trong suốt hai thập kỷ qua, chính quyền các nước Châu Âu đã luôn cổ xúy cho dầu diesel để đi theo hướng tiết kiệm nhiên liệu. Do đó, đạo luật khí thải nơi đây cũng được nới lỏng bớt để tạo điều kiện cho các hãng xe phát triển loại động cơ này. Hiện tại, khoảng một phần ba số ôtô đang lưu thông trên đường phố Châu Âu dùng động cơ dầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một số thành phố như London và Paris bị ô nhiễm nặng và luôn chìm trong lớp khói mù. Chính bản thân nhà cầm quyền Châu Âu cũng thừa nhận diesel là một hướng đi sai lầm, đồng thời đưa ra một lộ trình khắt khe hơn về quản lý khí thải; trong đó có bao gồm thử nghiệm trên đường chạy thực tế, dự kiến áp dụng vào năm 2017.
Khung cảnh thủ đô Paris chìm trong sương mờ
Ở Mỹ, động cơ máy dầu đã vắng bóng hoàn toàn kể từ những năm 1970. Đạo luật khí thải tại đây nghiêm ngặt hơn nhiều so với Châu Âu. Chỉ khoảng hơn 5 năm trở lại đây, những tiến bộ về mặt công nghệ cho phép động cơ diesel hoạt động hiệu quả và ít ô nhiễm hơn thì thị trường Mỹ mới đón nhận xe máy dầu. Bản thân Volkswagen đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa động cơ dầu xâm nhập đất Mỹ, mở đường cho các hãng xe Châu Âu khác.
Chính phủ Mỹ không cổ xúy cho dầu diesel như tại Châu Âu
Giờ đây, khi vụ bê bối được phanh phui, công chúng mới nhận ra cái gọi là “kỳ quan cơ khí chế tạo” của VW thật sự không tồn tại. Không thể duy trì được hiệu năng cao và mức tiêu thụ nhiên liệu thấp trong khi vẫn phải giới hạn lượng khí thải, hãng xe Đức đã quyết định phạm pháp và đã phải trả một giá rất đắt.
Về phần mình, động cơ dầu những năm gần đây đã chịu khá nhiều sức ép soi mói liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Vụ gian dối lần này của VW như giọt nước tràn ly, buộc chính quyền các nước sẽ siết chặt hơn nữa yêu cầu khí thải đối với diesel, áp dụng các bài kiểm định thực tế nghiêm ngặt hơn đến một mức mà động cơ dầu không thể đáp ứng, hoặc chi phí quá cao. Và đây sẽ là tín hiệu cho ngày tàn của động cơ dầu diesel.