Khác với dáng vẻ xinh xắn, dịu dàng, các pha xử lý tình huống của Nguyễn Thị Duyên trên chiếc Ford Ranger XLS số tự động đời mới lại rất dứt khoát, tự tinh. Bàn chân phải đi guốc cao cỡ 7 phân nhịp nhàng xoay chuyển qua lại giữa chân phanh, chân ga.
"4 năm nay tôi quen đi giày cao gót lái xe rồi, thấy rất an toàn, còn hơn cả khi đi giày đế bằng", Duyên vừa cười vừa nói.
Nguyễn Thị Duyên thường xuyên đi giày cao gót lái xe suốt 4 năm qua. |
Nguyễn Thị Duyên, một nhân viên văn phòng, tham gia quay clip minh hoạ cho chuyên mục Thay đổi một chút, nằm trong chương trình Cafe Sáng của VTV3 phát sóng sáng hôm qua 11/4. Điểm đặc biệt của chương trình lần này ở chỗ khách mời là Admin Cộng đồng Otofun Nguyễn Đại Hoàng, đồng thời clip minh hoạ do Công ty OTV Media phối hợp thực hiện cùng nhóm biên tập viên và quay phim của VTV3, với nhân vật là các thành viên Otofun.
Chuyên mục Thay đổi một chút có lịch phát sóng vào sáng thứ ba hằng tuần, nói về các thói quen khi tham gia giao thông. Chuyên mục của tuần này được thực hiện nhân dịp cộng đồng mạng đang xôn xao với vụ ô tô tông 17 xe gắn máy chiều 5/4/2023 tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Khai báo với cơ quan công an, tài xế hơn 60 tuổi cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do đạp nhầm chân phanh thành chân ga. Phản hồi dưới những bài đăng về vụ tai nạn, rất nhiều độc giả cho rằng, lỗi nhầm chân phanh thành chân ga đến từ chiếc dép lê khá chật so với bàn chân mà người đàn ông này mang theo.
Chủ đề loại giày dép nên dùng khi lái xe trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết. Trước đó, mạng xã hội từng "dậy sóng" bởi vụ việc cách đây 5 năm tại TP. HCM, nữ tài xế lái BMW sử dụng giày cao gót dẫn đến nhầm chân phanh, chân ga, gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến một người chết và 5 người khác bị thương.
Bức ảnh gây tranh cãi trong suốt những ngày vừa qua. |
Khi nhận được lời mời tham gia, Duyên không ngần ngại khi đưa ra những ý kiến khác biệt số đông.
"Đúng là khi học lái, thầy có dạy tôi nên đi giày đế bằng và đế mềm để không bị nhầm chân ga, chân phanh, cũng như cảm nhận tốt hơn cảm giác nhấn phanh, nhấn ga", Duyên nói. "Nhưng đi giầy bệt lái xe tôi cảm thấy không quen, có thể là do chân tôi ngắn nữa" (cười).
Duyên chia sẻ thêm, trang phục thường ngày khi đi làm là đầm, váy nên thường dùng đôi guốc từ 7 phân trở lên để tôn thêm vóc dáng. "Chính vì vậy, cá nhân tôi thấy việc chuẩn bị đôi giày đế bằng hoặc dép trên xe để lái, hay khi tháo guốc ra, đi guốc vào rất phức tạp", chị tâm sự.
Duyên thường xuyên lái xe với giày cao gót. |
Nhắc đến vụ tai nạn do nhầm chân ga, chân phanh ở Xuân La vừa qua, Duyên nhận định, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này khi lái xe. Việc cho rằng nguyên nhân chính đến từ đôi dép lê nhỏ so với bàn chân tài xế là không hợp lý.
"Bản thân tôi khi đi giầy cao gót không hề thấy khó khăn khi đổi chân ga, chân phanh. Khi học lái, về lý thuyết, thầy sẽ dạy bạn để gót chạm sàn, một phần ba bàn chân đặt lên bàn đạp ga hoặc phanh", Duyên nói.
"Có nhiều người cho rằng, cấu tạo của giày cao gót đã để lại một khoảng trống giữa bàn chân của bạn với hai bàn đạp. Chính khoảng trống này khiến người lái mất đi cảm nhận về không gian, dẫn đến nhấn trượt phanh, hoặc tệ hơn là nhấn nhầm chân ga. Nhưng với tôi điều này không ảnh hưởng. Sau 4 năm lái xe, việc nhấn ga, nhấn phanh đã thành kỹ năng nên không thể nhầm hoặc nhấn trượt được dù là đi giày cao gót".
Đôi giày cao gót Nguyễn Thị Duyên sử dụng khi cầm lái chiếc Ranger XLS 2.0 AT để quay clip do OTV Media phối hợp thực hiện với chương trình Cafe Sáng VTV3. |
Duyên cho biết, bản thân mình luôn sử dụng giày cao khi lái xe, bất kể đi chơi xa hay đi làm. Chiếc xe Duyên hữu là loại số tự động, vì thế lái xe khá nhàn, sử dụng giày cao gót để điều khiển xe không gây ra nhiều trở ngại như nhiều người nghĩ.
"Phụ nữ đi giày cao gót hằng ngày giống như đàn ông đi giày đế bằng. Càng đi nhiều, đôi giày cao gót đó sẽ trở nên thân thuộc với mình, đủ để mình cảm nhận được chân phanh, chân ga khi lái xe. Không thể đổ lỗi cho giày cao gót làm người lái nhấn trượt, hay nhầm hai bàn đạp được (bàn đạp ga - bàn đạp phanh - PV), Duyên nhận định.
Nữ OFer Nguyễn Thị Duyên. |
Nữ nhân viên văn phòng cho rằng tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng nếu chỉ đổ cho giày dép là thiếu căn cứ. Sự tập trung là chìa khoá đảm bảo sự an toàn khi lái xe. Trên mỗi hành trình, có rất nhiều tình huống đòi hỏi phải tập trung để xử lý kịp thời.
"Bản thân tôi chưa gặp khó khăn khi xử lý tình huống, bởi tôi có nguyên tắc không dùng điện thoại khi lái xe. Nếu dừng đèn đỏ lâu thì mở điện thoại xem, còn thời gian dừng đèn đỏ ít thì đến nơi làm việc tôi mới dùng", Duyên cho biết.
Cuối buổi trò chuyện, Duyên mong muốn mọi người tham gia giao thông hãy thay đổi những suy nghĩ không đúng về phụ nữ lái xe. "Tôi đã đọc rất nhiều những bình luận như giao xe cho phụ nữ là tội ác, bán xăng cho phụ nữ là tội ác... Tôi rất khó chịu về những câu nói này. Trong gia đình tôi, cũng chính vì câu nói đó mà chồng rất e ngại khi tôi nói muốn học lái. Tôi nghĩ câu nói đó là sai và mong mọi người hãy thay đổi suy nghĩ này, nhất là định kiến với nữ lái xe".
Phương Huyền