Báo giá sửa cao tốc Hạ Long - Vân Đồn bị cho là có nhiều mục cao bất thường. |
Theo báo giá được đưa ra bởi Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Bảo Linh (trụ sở tại Hạ Long, Quảng Ninh), tổng chi phí sửa chữa, khắc phục các hậu quả của vụ cháy lên tới 395.280.000 đồng cho 9 hạng mục khác nhau.
Báo giá không đồng nghĩa với việc bắt buộc sửa chữa đúng như thế
Trước khi đi vào phân tích con số, có hai việc cần phải thống nhất. Đầu tiên, đây mới là báo giá sửa chữa các hạng mục hư hỏng của vụ cháy chứ không phải hoá đơn, cũng chưa rõ bên nào sẽ phải thanh toán, đơn vị quản lý cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Công ty cổ phần BOT Biên Cương) hay lái xe công gây ra vụ cháy (trong va chạm liên quan tới hai lái xe của hai chiếc đầu kéo container).
Thứ hai, đây là báo giá của một đơn vị có chức năng sửa chữa, họ dựa trên hiện trường để lên chi phí theo yêu cầu. Vì vậy, như ta đi sửa xe, nếu không hài lòng với báo giá mà garage cung cấp, có thể tìm một đơn vị khác lấy báo giá mới để đối chiếu. Thêm nữa, trong báo giá có bao nhiêu hạng mục, mỗi mục chi phí là bao nhiêu là do garage, còn chấp nhận như thế nào là việc của người cần sửa chữa.
Báo giá được cho là vô lý do liệt kê diện tích mặt đường cần khắc phục lên tới 600 m2. |
Trong trường hợp này cũng vậy, nếu bên phải sửa đường không đồng ý với báo giá có thể tìm một đơn vị khác để có được mức chi phí hợp lý hơn. Tất nhiên, việc sửa chữa đường khác với sửa xe ở chỗ, xe là của cá nhân nên có thể bỏ qua những hạng mục chủ xe thấy không cần, nhưng đường là của Nhà nước nên sẽ phải đảm bảo trả lại hiện trạng mặt đường theo đúng quy chuẩn về cao tốc.
Chi phí đầu tư cho cao tốc là bao nhiêu?
Sau khi thống nhất hai điều trên, ta bắt đầu tính toán xem báo giá đưa ra có hợp lý hay không. Để xem giá sửa chữa là đắt hay rẻ, ta cần bắt đầu từ giá xây dựng.
Theo suất vốn đầu tư được Bộ Xây dựng công bố năm 2023, chi phí để xây dựng 1 km đường cao tốc 4 làn xe ô tô trung bình 186,1 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng khoảng 170,6 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 4,2 tỷ đồng.
Nếu loại trừ chi phí phần xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu, chi phí đầu tư xây dựng 1 km cao tốc vào khoảng 143,8 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng khoảng 132,2 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 4,2 tỷ đồng.
Xe công cháy trụi ca-bin trên cao tốc Hạ Long - Móng Cái sau va chạm |
Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được đưa vào sử dụng từ năm 2019 với chiều dài hơn 60 km và có tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng. Trung bình vốn đầu tư cho mỗi cây số là 200 tỷ đồng. Tuy nhiên tạm thời cứ lấy theo con số trung bình của Bộ Xây dựng công bố bên trên (là 132 tỷ đồng cho mỗi cây số).
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có 4 làn xe chạy và hai làn khẩn cấp. Theo Quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc tại Việt Nam ban hành năm 2024, đường cấp 120 có chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m và làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3 m. Tạm tính chiều rộng cao tốc Hạ Long - Vân Đồn khoảng 22 m.
Như vậy 1 km dài của mặt đường cao tốc này sẽ có diện tích là 22.000 m2. Nếu chia số tiền đầu tư bên trên cho diện tích mặt đường, mỗi mét vuông sẽ có vốn đầu tư khoảng 6 triệu đồng.
Báo giá của từng hạng mục sửa chữa đã hợp lý chưa?
Nếu tính theo suất vốn đầu tư, có thể thấy báo giá đưa ra thấp hơn rất nhiều. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó đã là mức giá tốt. Trong báo giá có những điểm mà chi phí được liệt kê ra làm người khác phải giật mình.
1. Mục số 2: Cào bóc lớp mặt đường bê tông Asphalt. Theo báo giá, diện tích cần cào bóc lên tới 600 m2 và chi phí tổng cộng 60 triệu.
Trở lại với vụ cháy hai chiếc xe công, camera hành trình và hiện trường còn lại cho thấy bề rộng vụ cháy khoảng hơn gấp đôi thân xe đầu kéo, tức là khoảng 5 m. Vụ cháy nối từ ca-bin xe sau đến nửa công xe trước, cộng thêm khoảng cách giữa hai xe, nên có chiều dài tầm 20-30 m.
Cứ cho là diện tích mặt đường hư hỏng nặng tầm hơn 100 m, theo mức đầu tư bên trên, chi phí đầu tư là hơn 600 triệu đồng. Nhưng ta cũng hiểu là vụ cháy không thể gây hỏng toàn bộ phần mặt đường này một cách giống nhau. Những nơi hỏng nặng, chi phí khắc phục có thể tốn hơn làm mới, nhưng những chỗ còn lại sửa chữa cũng có thể rẻ hơn nhiều.
Nếu chấp nhận diện tích mặt đường hư hỏng đúng là 600 m như báo giá, cũng vẫn còn một điểm vô lý: Đó là vụ cháy ảnh hưởng đến diện tích mặt đường ở các mức độ khác nhau nên báo giá cào bằng cho 100.000 đồng/m2 là khó chấp nhận. Rất có thể đơn vị làm báo giá đã hời hợt trong khảo sát. Cũng có thể họ là đơn vị được chỉ định, không có đối thủ cạnh tranh, nên không cần phải tính toán nhiều cho mất công.
2. Mục số 3: Vận chuyển thải đổ đi tại bãi thải, tổng 30 triệu đồng cho gói này. Nhiều lái xe chở vật liệu vào nhận định rằng chi phí thực tế chỉ bằng một nửa. Phần này cũng cần khảo sát lại mức chi phí. Nhưng cũng cần lưu ý việc đem máy móc ra vào cao tốc và vận chuyển tới bãi đổ thải không giống như ở các đường thông thường.
3. Mục số 4: Vệ sinh tưới dính bám CRS-1, trên diện tích 600 m lên tới 18 triệu (CRS-1 là một loại nhựa đường nhũ tương) và Mục số 5: Việc thi công BTN dày 5 cm nhựa polime (BTN là bê tông nhựa), cũng trên diện tích 600 m2, chi phí là 198 triệu đồng.
Một thành viên trên group Facebook của Cộng đồng Otofun cho rằng hai mục này đắt hơn báo giá của nhà nước. Như đã nói ở trên, bên yêu cầu báo giá có quyền đi tìm một đơn vị khác để đưa chi phí về mức thấp nhất có thể. Hiện nay, một số đơn vị thi công báo giá công khai trên mạng bê tông nhựa dày 5 cm dày khoảng 220 nghìn đồng cho một mét vuông.
Cộng thêm một số yếu tố khác như chất liệu, số lượng sản phẩm, chi phí vận chuyển… chi phí cũng thấp hơn nhiều con số 330 nghìn mỗi mét vuông trong báo giá đưa ra.
Kết luận
Xin nhắc lại là trên đây mới chỉ là báo giá, chứ chưa rõ cá nhân hay đơn vị nào chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác sửa chữa các hư hỏng trên đường và do đó có tư cách đàm phán về báo giá.
Số lượng hạng mục cần sửa chữa trong báo giá đưa ra là có thể chấp nhận. Tuy nhiên, đồng tiền liền khúc ruột, cần xem xét lại hai điều: Khối lượng cần làm của từng hạng mục có bị nhiều quá không; và Báo giá từng hạng mục đã phải là mức tốt nhất chưa. Một số mức giá tôi tham khảo từ bạn bè và trên mạng nên có thể chưa chính xác, nhờ các bác góp ý thêm.
Một ý cuối cùng, khi làm hỏng hạ tầng đường cao tốc, lái xe phải bồi thường. Vậy trong trường hợp ngược lại, việc quản lý đường cao tốc không tốt dẫn đến tai nạn xảy ra đối với người tham gia giao thông, đơn vị quản lý đường cao tốc có trách nhiệm đền bù cho người bị tổn thất hay không?OFer Li Ti