Nhà phân phối và lắp ráp Mazda tại VIệt Nam vừa bất ngờ tăng giá 2 mẫu xe Mazda2 (loại 4 cửa và 5 cửa) lên đến 30 triệu đồng, từ 499 triệu đồng lên 529 triệu đồng và từ 539 triệu đồng lên 569 triệu đồng. Đầu tháng 4, 4 mẫu xe mới nhập trong tháng 3 được hưởng thuế ưu đãi 0% của Hãng Honda cũng đồng loạt tăng 5 triệu đồng/chiếc so với bảng giá công bố trước đó.
Kế tiếp, Nissan cũng được điều chỉnh tăng 20 - 25 triệu đồng cho 2 mẫu xe bán chạy là Sunny và X-Trail. Hyundai cũng điều chỉnh tăng 9 - 20 triệu đồng cho 11 mẫu sản phẩm của hãng này tại Việt Nam. Đó là mức tăng từ nhà phân phối, tại một số đại lý, tùy vào nhu cầu thị trường, người mua phải chấp nhận trả thêm 30 - 60 triệu đồng cho các mẫu xe đang được ưa chuộng, khan hàng.
Nhiều khách hàng đang bảo nhau tạm ngưng, chờ giá xe hơi giảm sẽ mua |
Trước hàng loạt thông tin tăng giá, "cư dân" một số diễn đàn xe hơi đang bảo nhau khoan mua xe vào lúc này, dù xe nhập hay lắp ráp trong nước. Có ý kiến cho rằng việc tăng giá vào đầu quý 2 là chiêu trò của nhà kinh doanh. Một số ý kiến khác tỏ ra dứt khoát: “Tăng giá thì ngồi đó mà chờ” hay “người tiêu dùng không dễ bị dụ nữa”. Khá nhiều ý kiến cho rằng, giá xe được bán theo giá thị trường chấp nhận chứ không phải theo tính toán vốn, công, lãi của nhà sản xuất. Với tình trạng thị trường xe hơi hiện nay, giá bán đang chạy theo nhu cầu thị trường chứ không theo giá trị thực của xe.
Tính đến hết quý 1/2018, số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho thấy doanh số bán của toàn thị trường giảm 21% so cùng kỳ năm trước dù lượng xe tháng 3 bán ra cao hơn tháng 2 đến 70%. Theo tính toán của một số đại lý, tháng 5, chậm nhất là tháng 6, khi một số dòng xe khác như Chervolet, Volkswagen, Toyota, Ford… hoàn tất thủ tục nhập khẩu, thị trường xe lúc đó sẽ phong phú, nhiều chọn lựa, chắc chắn sẽ “ổn” trở lại.