Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch, trên địa bàn hiện có 484 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu phải dán tem. Trước đó, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Tổ chỉ đạo liên ngành thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng đối với các cột đo xăng, dầu trên địa bàn và Tổ giúp việc. Tổ chỉ đạo bao gồm lực lượng liên ngành, gồm: Cục Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Chi cục Quản lý thị trường, với 42 thành viên, do Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, ông Viên Viết Hùng làm Tổ trưởng. Trong đó, tổ giúp việc có 217 thành viên. Nhằm tạo thuận lợi cho việc dán tem và ghi chỉ số đồng hồ công tơ các cột đo xăng dầu sau này, Cục Thuế TP. Hà Nội đã cử Lãnh đạo và cán bộ Đội liên phường xã tham gia triển khai dán tem, ghi số đồng hồ công tơ. Định kỳ hàng tháng, các cán bộ thuế sẽ tới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc địa bàn quản lý để ghi nhận số liệu về chỉ số phản ánh thực tế trên công tơ tổng của từng cột đo xăng dầu và thông báo số lượng cho bộ phận đầu mối tổng hợp, đánh giá. Song song với công tác dán tem, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng xây dựng Hệ thống quản lý sản lượng tiêu thụ xăng dầu định kỳ trên địa bàn đảm bảo kết nối thông tin nhanh, tránh sai sót trong quá trình nhập số liệu chỉ số đồng hồ công tơ. Số liệu từ các cột bơm sẽ được tự động tổng hợp theo thứ tự về cửa hàng và về số tổng của doanh nghiệp chủ quản đang kê khai thuế với cơ quan Thuế. Trước tình trạng gian lận xăng dầu đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm thất thu thuế cho NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu ngành Thuế cần có giải pháp quản lý hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Việc dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng dầu tiêu thụ tại từng cột xăng của các cửa hàng xăng dầu qua áp dụng hiệu quả tại Nghệ An, Lâm Đồng, đã được Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế nhân rộng áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Tính đến cuối tháng 3/2017, có 46 tỉnh, thành phố hoàn thành việc dán tem với đồng hồ tổng cây xăng, với hơn 10.000 cây xăng được dán tem tương ứng với khoảng 30.121 trụ xăng được dán. Kết quả bước đầu cho thấy, sau khi dán tem sản lượng xăng dầu tiêu thụ đều ghi nhận tăng, qua đó số thuế bảo vệ môi trường nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 10% so với khi chưa thực hiện. Hiện ngành Thuế đang xây dựng chính sách tiến tới áp dụng hóa đơn điện tử cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Như vậy, về lâu dài, ngành Thuế sẽ kết nối đồng bộ phần mềm xuất hoá đơn xăng dầu xác thực với cơ quan Thuế, dữ liệu bán xăng hàng ngày được "chạy" thẳng về cơ quan Thuế, sẽ hạn chế tối đa việc gian lận, chống thất thu ngân sách. Khi thực hiện giải pháp niêm phong đồng hồ tổng các cơ sở kinh doanh xăng dầu mang lại lợi ích cho cả DN, Nhà nước và người tiêu dùng.