Thiếu bản đồ số phục vụ quản lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trong nước chỉ có vài doanh nghiệp xây dựng được bản đồ số giao thông và cung cấp ứng dụng chỉ dẫn đi lại như: Hanel, Vietbando, Imap, Vietmap, Googlemaps... Tuy nhiên, các bản đồ số này cũng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông đường bộ.
Hiện mới có bản đồ giao thông số do doanh nghiệp cung cấp để ứng dụng chỉ dẫn, đi lại, chưa có bản đồ do cơ quan Nhà nước xây dựng để phục vụ công tác quản lý |
Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước, đến nay gần như vẫn chưa có hệ thống bản đồ giao thông số chuẩn, chung cho toàn ngành để phục vụ mục tiêu quản lý. Ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết: “Hiện, nhu cầu ứng dụng bản đồ số trong ngành GTVT rất lớn, nhưng do chưa có bản đồ số thống nhất toàn ngành nên các đơn vị của Bộ GTVT sử dụng bản đồ, ứng dụng phần mềm từ các nguồn khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin”.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin khẩn trương trình Đề cương xây dựng bản đồ giao thông số nền tảng của toàn ngành GTVT trong tháng 8/2017. “Chủ trương của Bộ GTVT là xây dựng hệ thống bản đồ giao thông số nền tảng, hạ tầng đồng bộ, trên nguyên tắc tận dụng hạ tầng, cơ sở dữ liệu đã có, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bản đồ giao thông số dùng để phục vụ quản lý nhà nước về GTVT và cung cấp ứng dụng, tiện ích cho người dân theo hướng xã hội hóa đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu. |
Trong lĩnh vực đường bộ, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, từ năm 2013, đơn vị phối hợp với một nhà cung cấp trong nước thí điểm xây dựng được hệ thống kết nối, giám sát hành trình đối với 650.000 xe ôtô kinh doanh vận tải, biển báo giao thông ở 20.000km quốc lộ, tích hợp với các trạm kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc; thử nghiệm kiểm soát tốc độ đối với gần 300 xe kinh doanh vận tải dựa trên biển báo và hành trình trên tuyến Lạng Sơn - Thanh Hóa, Hà Nội - Hải Phòng...
Tuy vậy, theo bà Hiền, bản đồ số mà Tổng cục đang sử dụng gồm 2 hệ thống, do hai nhà cung cấp khác nhau triển khai, là bản đồ dùng trong dự án quản lý cầu VBMS online và hệ thống dùng trong Trung tâm Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, quản lý tuyến cố định; trong quản lý mặt đường PMS.
Về phía Cục Đường thủy nội địa VN, để bắt kịp xu thế công nghệ, đơn vị này đã chủ động xây dựng bản đồ số nhưng do không có kinh phí nên tận dụng hệ thống bản đồ miễn phí của Googlemaps để quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy, theo dõi phương tiện vận tải, nhưng cũng vì vậy không thể đạt được ứng dụng như mong muốn.
“Năm 2015, cục đã mạnh dạn xây dựng bản đồ số trên nền bản đồ miễn phí của Googlemaps để đưa các thông tin về báo hiệu, cảng bến, trạm quản lý đường thủy trên tuyến đường thủy quốc gia lên bản đồ. Tuy vậy, hạn chế của bản đồ này là không trích xuất được thông tin, chưa khai thác được thông tin”, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN nói.
Liên quan đến lĩnh vực hàng không, hàng hải, lãnh đạo hai Cục quản lý chuyên ngành này cho biết, hiện mới có các bản đồ số ứng dụng chuyên ngành nhưng chưa có bản đồ dùng trong quản lý. Trong khi đó, Cục Đường sắt VN lại chưa có ứng dụng bản đồ số nào.
Sẽ xã hội hóa đầu tư
Đề cập hiện trạng bản đồ số giao thông tại Việt Nam do cơ quan Nhà nước xây dựng, ông Phạm Duy Ninh cho biết, Cục Đo đạc bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bản đồ nền phủ trùm toàn quốc tỷ lệ 1:50.000, đã chuyển giao cho đơn vị, nhưng các lớp giao thông của bản đồ chủ yếu được cập nhật trong giai đoạn 2009-2011. Vì vậy, ông Ninh và lãnh đạo các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ GTVT đều cho rằng, cần sớm xây dựng bản đồ số ngành GTVT phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ bản đồ để sử dụng chung cho toàn ngành, cũng như chia sẻ với các bộ, ngành khác và đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu bản đồ kỹ thuật số ngày càng cao.
Đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết thêm, hệ thống bản đồ giao thông số gồm các thành phần chính là hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, công nghệ nền bản đồ và công nghệ khai thác bản đồ. Do đó, vấn đề đặt ra là cần nguồn kinh phí đầu tư lớn và cần hành lang pháp lý đầy đủ để xây dựng, vận hành, khai thác, cập nhật, bảo trì bản đồ giao thông số.
“Việc xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thống bản đồ số ngành GTVT nên triển khai theo hướng Nhà nước đầu tư kết hợp hình thức đầu tư xã hội hóa”, ông Ninh đề xuất và cũng thông tin, thời gian qua, một liên danh cung cấp giải pháp công nghệ đã tích cực phối hợp với trung tâm và đơn vị của ngành GTVT xây dựng Đề án giao thông thông minh trên nền bản đồ số; đơn vị này cũng sẵn sàng tham gia phát triển hạ tầng, bản đồ số giao thông toàn ngành.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang cũng cho rằng: “Nhà nước nên đầu tư xây dựng bản đồ số giao thông nền ở mức độ thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, sử dụng chung trong toàn ngành, còn những thông tin chi tiết mang tính dịch vụ để cung cấp cho người dân do doanh nghiệp đầu tư, thực hiện. Tới đây, cũng rất cần hành lang pháp lý để doanh nghiệp và người dùng mua bán, sử dụng dịch vụ”, ông Giang đề xuất.