Ngày 14/7, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (CL&PTGTVT) trình bày với Sở GTVT TP HCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân.
Viện này đánh giá, tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội; các hoạt động giao thông gây ô nhiễm môi trường. Do đó, tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân là xu hướng tất yếu. TP HCM cần có các biện pháp tài chính, kỹ thuật để kiểm soát tiến tới hạn chế xe cá nhân.
Ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM mỗi khi ra đường |
Đơn vị này mở rộng khái niệm xe cá nhân bao gồm cả ô tô con, xe công vụ, mô tô, xe gắn máy 2-3 bánh, xe điện, xe đạp điện và xe đạp, xe chở hàng, xe chuyên dùng...
Theo Viện CL&PTGTVT, việc này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Từ nay đến 2020, TP sẽ tăng phí trông giữ xe, hạn chế đỗ xe máy trong khu vực trung tâm, mở rộng không gian đi bộ.
Đồng thời, TP cần đẩy mạnh phát triển xe buýt, nâng cao chất lượng phương tiện, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, thu phí xe cơ giới vào khu vực trung tâm...
Sau năm 2020, TP HCM tập trung phát triển các tuyến metro, BRT theo quy hoạch, đồng thời kết hợp biện pháp giới hạn đăng ký mới xe cá nhân. Đặc biệt, phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy vào năm 2030 (hoặc sau 2030) tại khu vực trung tâm và khu vực ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Tại đây, TS Lương Hoài Nam cho rằng vấn đề người dân quan tâm là đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy thì người dân đi lại bằng gì. Do đó, TP phải xác định xe buýt là loại hình chiến lược và chủ lực ngay từ bây giờ.
“Thay thế xe máy bằng phương tiện giao thông an toàn và tiện nghi thì chỉ có xe buýt. Vì vậy, kế hoạch phát triển xe buýt cần làm rõ sẽ phát triển như thế nào, chiến lược đầu tư ra sao. Nếu phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt thất bại thì đề án trên cũng thất bại”, TS Lương Hoài Nam nói.
Cũng theo vị tiến sĩ này, TP cần có lộ trình hạn chế xe máy và tạo sự đồng thuận của người dân, cố gắng đến năm 2030 cùng với Hà Nội dừng hoạt động xe máy.
Ông Nam cũng cho rằng, hạn chế và tiến tới cấm xe máy không phải mục tiêu của TP HCM. Mục tiêu của TP là mang lại cho người dân một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn văn minh và rẻ hơn xe máy cá nhân.
“Nhưng nếu không có lộ trình tiến tới loại bỏ xe máy thì xe buýt không có mặt đường để chạy và xe buýt không có người mua vé”, ông Nam băn khoăn.
Ông Nam nêu quan điểm: “Cứ đi vào vòng luẩn quẩn bao giờ đủ giao thông công cộng hãy nói chuyện dừng hẳn xe máy thì tôi cho rằng sẽ không bao giờ. Bởi có người mua vé, người đầu tư xe buýt đâu mà đủ đáp ứng giao thông công cộng”.
Sở GTVT TP HCM khẳng định chưa cấm xe máy từ năm 2030 |
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia giao thông khác cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ và thống nhất việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, trước mắt là xe buýt và dần dần hạn chế, tiến tới cấm xe máy.
Song theo TS Trần Anh Tuấn, với một đô thị đông dân như TP HCM thì xe buýt không thể là phương tiện vận tải công cộng chủ đạo mà buộc phải có loại chuyên chở hành khách với số lượng lớn hơn.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đóng góp ý kiến cho đề án. Theo ông, cần đưa ra khung đánh giá tác động của phương tiện giao thông cá nhân đối với môi trường. Ngoài ra, cần tính toán cụ thể mức thu phí vào trung tâm và đối tượng bị thu, hiệu quả kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường lại có quan điểm khác với đề án nêu trên. Ông khẳng định rằng, đến năm 2030 TPHCM chưa cấm xe gắn máy. Theo ông, TP sẽ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp mà đề án nêu để kiểm soát việc sử dụng loại xe này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định: “Chỉ khi nào chứng minh có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TP mới tính đến việc cấm xe máy”.