Khảo sát của Otofun về đề án cấm xe máy: Ủng hộ và phản đối cân bằng Chi tiết lộ trình dừng, cấm xe máy tại thủ đô Hà Nội Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương |
Từ sự quan tâm rất lớn của cộng đồng đối với "Đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030" của Sở GTVT Hà Nội, Diễn đàn Otofun đã tiến hành một cuộc khảo sát trên Fanpage chính thức về việc: "Có hay không nên cấm xe máy?". Cuộc khảo sát kéo dài trong 5 ngày nhận được sự đóng góp nhiệt tình cả từ các thành viên Group chính thức của diễn đàn và người dùng Facebook nói chung. Kết quả, trong số 5.000 người tham gia trả lời, có 52% chọn ủng hộ và 48% không ủng hộ.
Sau cuộc khảo sát chương trình Cà phê OF (OFTV) đã mời tới trường quay hai vị khách: ông Hoàng Hà, Cựu Giám đốc marketing và bán hàng Yamaha Việt Nam, và ông Hồ Nam, Mod của Box An toàn giao thông, diễn đàn Otofun.net.
2030 cấm xe máy là điều không thể
Là người đã có 18 năm (từ 1998 đến hết 2016) làm việc trong lĩnh vực quản lý chuỗi bán lẻ và quản trị marketing tại Yamaha Việt Nam, ông Hoàng Hà cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ Đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Đây là một ý tưởng rất hay, tuy nhiên cần phải có những giải pháp cụ thể, hợp lý hơn để thực hiện".
Ông Hà cũng chia sẻ: "Trong thời gian làm việc tại Yamaha tôi từng có trên 300 chuyến công tác tại Nhật và ít nhiều đã có những trải nhiệm ở đất nước này. Quy hoạch đô thị của Nhật được tính toán trước hàng trăm năm, các phương tiện của họ phân bổ rất khoa học, hệ thống giao thông đa tầng, ý thức của người tham gia giao thông cao... Ở Nhật không cấm mà là "cấm một cách tự nhiên" bằng cách thay thế hợp lý để người dân chấp nhận.
Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta quảng cáo xe bus BRT là xe bus nhanh, có làn đường ưu tiên... nhưng khi đưa vào thực hiện lại không được như giới thiệu. Một vài dự án, công trình như thế sẽ gây mất niềm tin. Nên điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải tuân thủ kế hoạch, cam kết; đồng thời mở ra nhiều chân rết giao thông giúp cho việc di chuyển của bà con được dễ dàng.
Người Hà Nội hiện có tư duy tập thể dục rất cao. Nếu hệ thống giao thông công cộng đủ tốt, thay bằng tập thể dục người dân có thể đi bộ. |
Người Việt Nam nói chung và người Hà Nội hiện nay có tư duy tập thể dục rất cao. Nếu hệ thống giao thông công cộng đủ tốt, thay bằng dậy sớm ra công viên chạy, đến phòng tập... người dân có thể đi bộ."
Bản thân ông Hà vô cùng ngạc nhiên khi thời gian gần đây dư luận nhắc nhiều đến cụm từ "Cấm xe máy". "Từ cấm dù đúng dù sai cũng sẽ gặp phản ứng", ông nói. "Xét cho cùng, mọi quy định đều phục vụ cho đời sống của người dân, nếu như buộc phải cấm, áp chế, bắt người ta theo thì có thể sẽ gặp phải những phản ứng rất khủng khiếp".
Gần 20 năm làm trong lĩnh vực kinh doanh xe máy, ông Hà đặt câu hỏi: "Một chiếc ô tô tương đương với khoảng 8-10 xe máy, nếu thay bằng xe máy, tất cả đều mua ô tô liệu đường có tắc hơn không? Chưa kể, không phải ai cũng đủ khả năng mua ô tô. Nếu tôi không đủ điều kiện kinh tế, tôi buộc phải tìm giải pháp linh hoạt. Có thể, tôi vẫn sẽ đi xe máy hoặc xe đạp. Nhìn chung người dân sẽ tìm ra cách, thị trường cũng sẽ xuất hiện các dịch vụ để đối phó."
Trả lời câu hỏi liệu "Đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030" có thể thực hiện hay không, ông Hoàng Hà khẳng định:
"Nếu bắt tay vào làm quyết liệt, chi tiết thì có thể nhưng nếu chỉ trên giấy thì tôi không tin đề án này có thể thành công. Thực ra điều tôi kỳ vọng là đến thời điểm 2030 chúng ta đã có một số khu vực thí điểm. Bằng cách can thiệp vào hệ thống giao thông tại các công trình mới, các khu đô thị mới, chúng ta có thể tạo ra những "đám cháy" nhỏ và tạo sức lan toả dần dần..."
Cấm xe máy, cần có những biện pháp thay thế thích hợp
Đối với đề án nêu trên, ông Hồ Nam, Mod của Box An toàn giao thông, diễn đàn Otofun.net bày tỏ lo ngại: "Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km. Nhưng hiện tại, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông (đã xây dựng trong 10 năm) vẫn chưa được đưa vào khai thác, sử dụng; Tuyến Nhổn - ga Hà Nội mới hình thành trên cơ sở hạ tầng. Vậy, 8 tuyến đường sắt đô thị còn lại bao giờ mới xong?
Hệ thống xe bus nhanh BRT ở Hà Nội dần biến thành "xe bus chậm" vì ùn tắc |
Chưa kể hệ thống xe bus hoạt động trên địa bàn Thủ đô hiện tại có khá nhiều xe cũ; Vỉa hè dành cho người đi bộ bị lấn chiếm; Hệ thống giao thông ở Hà Nội có quá nhiều ngõ nhỏ chằng chịt...
Mặc dù, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra "Đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030" nhưng lại chưa thấy thành phố tập trung đưa ra được những biện pháp thay thế thích hợp."
Cả hai khách mời đều đồng ý "Đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030" văn minh. Tuy nhiên, cả hai cũng thống nhất để thực hiện được đề án này Chính phủ cần phải cam kết và đưa ra các giải pháp song hành, xây dựng những đề án song song như phát triển hệ thống xe bus, bus nhanh, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, vỉa hè... phát triển giao thông công cộng.
Ông Hồ Nam, Mod của Box An toàn giao thông, diễn đàn Otofun.net nhấn mạnh: "Mỗi một phương tiện có giá trị lịch sử ở một giai đoạn nhất định. Xe máy đã đi vào xã hội Việt Nam từ những năm 1960-1970 và đạt được những bước phát triển vượt bậc. Muốn giảm và tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận nội thành là cả một thử thách. Nếu không thực hiện đồng bộ, quyết liệt khẳng định đến 2030 đề án chưa thể thành công".
Ảnh: Phan Linh
Video: OFTV
V.H