Tại buổi họp báo thông tin về kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV sáng 30/6, nhiều cơ quan báo chí có chung mối quan tâm về việc ở kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, trong đó có việc cấm xe máy ở nội đô từ năm 2030.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội thông tin tới báo chí |
Một số báo chí cũng đặt câu hỏi về cuộc kháo sát do CATP Hà Nội thực hiện vừa được công bố, với kết quả 84% ý kiến được phát phiếu lấy ý kiến (15.000 phiếu) ủng hộ đề án tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân; 90,35% ủng hộ lộ trình cấm xe máy trong nội đô của thành phố Hà Nội.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyễn Quân, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội cho biết, đề án quản lý phương tiện cá nhân tham gia giao thông, đây là nội dung được UBND TP trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp này. Đây là đề án đã được UBND TP tập trung chỉ đạo, xây dựng trong 1 năm qua, lấy ý kiến theo đúng quy định, trình tự và tiếp thu, điều chỉnh phù hợp để chính thức trình lên HĐND TP bản dự thảo đề án hoàn chỉnh nhất.
“Vừa qua, CATP Hà Nội tiến hành một cuộc khảo sát với 15.000 người được trưng cầu ý kiến bằng phiếu, trong đó 90% số người được phát phiếu khảo sát trả lời đồng thuận với lộ trình cấm xe máy trong nội đô Hà Nội. Trong quá trình xây dựng đề án, UBND TP có phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị có liên quan, cơ quan công an được giao nhiệm vụ tiến hành khảo sát bởi đối tượng khảo sát chủ yếu là các chủ phương tiện. Vì thế, việc CATP Hà Nội thực hiện khảo sát nói trên là đảm bảo khách quan, không có gì trái quy định” – ông Nguyễn Nguyên Quân khẳng định.
Cũng theo ông Quân, ngoài cuộc khảo sát do CATP Hà Nội thực hiện, một cuộc khảo sát lấy ý kiến nhân dân khác được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử thành phố. Qua tổng hợp cũng có tới 85% người tham gia khảo sát thống nhất rằng thành phố cần thông qua Nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông, có nhiều ý kiến còn cho rằng nghị quyết này cần được ban hành sớm hơn.
Liệu có khả thi nếu đến năm 2030 Hà Nội sẽ dừng hoạt động của xe máy tại các quận ở Hà Nội? Với câu hỏi này, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, trước mắt Hà Nội đặt vấn đề phân vùng để hạn chế xe cá nhân phù hợp với hạ tầng xã hội theo từng lộ trình cụ thể.
Đến năm 2030, khi hạ tầng xã hội được triển khai đồng bộ, vận tải hành khách công cộng phát triển đạt 50-55% theo quy hoạch thì chúng ta sẽ tổ chức dừng hoạt động xe máy. Điều kiện tiên quyết để dừng xe máy là phải có các biện pháp thay thế, chủ yếu là dựa vào vận tải hành khách công cộng. Việc này Hà Nội đã có quy hoạch và biện pháp cụ thể.
Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện giao thông, điều chỉnh giờ học giờ làm để giảm ùn tắc nhưng chưa xem xét thu hồi xe máy cũ. |
Chia sẻ kỹ hơn về những nội dung quan trọng nhất tại dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” mà HĐND TP sẽ xem xét ban hành tại kỳ họp này, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, cùng với việc hạn chế, cấm phương tiện cá nhân thì có 2 nội dung rất quan trọng khác là thu hồi phương tiện cũ và điều chỉnh giờ học, giờ làm.
Về thu hồi phương tiện giao thông cũ, ông Quân cho biết, trong quá trình xây dựng đề án đã được đưa ra xin ý kiến nhân dân, các bộ ngành và cơ quan đơn vị liên quan. “Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo đề án nhận thấy rằng nội dung này còn cần phải xem xét và tính toán kỹ hơn. Thế nên tại dự thảo Nghị quyết chính thức trình ra HĐND TP tại kỳ họp tới đây không có nội dung về thu hồi phương tiện cũ” – ông Nguyên khẳng định.
Còn về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, ông Nguyên cho biết, trước đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho Hà Nội được tổ chức điều chỉnh giờ học giờ làm nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Nội dung này Hà Nội cũng đã tổ chức thực hiện nhưng thời điểm đó tổ chức chưa hiệu quả do chưa áp dụng được nhiều biện pháp đồng bộ khác. Vì thế, cơ quan soạn thảo Nghị quyết lần này tiếp tục đề xuất áp dụng biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm để tổ chức thực hiện đồng bộ với các giải pháp về quản lý phương tiện giao thông.
“Nếu đề án được thông qua, UBND TP Hà Nội trước khi tổ chức thực hiện sẽ báo cáo xin ý kiến các Bộ ngành và nếu được các cơ quan trung ương đồng thuận thì biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm sẽ được áp dụng đồng bộ trên địa bàn thành phố” – ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết.