Nhiều người cho rằng, việc Uber, Grab tự ý điều chỉnh giá, không đăng ký với các cơ quan chức năng là bất hợp lý, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh...
Thành phố Hà Nội sẽ yêu cầu Uber, Grab công khai giá cước vận tải như taxi truyền thống - Ảnh: Tạ Tôn |
Uber, Grab không chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng
Trong hai ngày 14 - 15/1, hàng trăm lái xe Uber và Grab đã tụ tập tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), sau đó kéo qua trụ sở Uber, Grab để phản đối chính sách tăng phí sử dụng phần mềm thời gian gần đây. Họ kêu gọi các lái xe khác đồng loạt tắt App (ứng dụng) để gây áp lực cho Grab, Uber giảm chiết khấu.
Nhiều người cho rằng, sự việc trên minh chứng Uber, Grab không phải là đơn vị chỉ cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như hai đơn vị này luôn khẳng định mà chính là doanh nghiệp vận tải. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho rằng, theo Quyết định 24 về thí điểm xe hợp đồng, Uber, Grab chỉ được ký hợp đồng với doanh nghiệp, HTX vận tải.
“Qua sự việc lái xe đồng loạt tắt ứng dụng để phản đối tăng chiết khấu của Uber, Grab cho thấy doanh nghiệp, HTX vận tải không có vai trò gì mà chính Uber, Grab điều hành hoạt động vận tải”, ông Thanh nói và cho rằng, trường hợp trong hợp đồng giữa Uber, Grab và doanh nghiệp vận tải có điều khoản doanh nghiệp vận tải ủy quyền cho Uber, Grab xây dựng, công bố, điều chỉnh giá cước vận tải thì Uber, Grab là doanh nghiệp vận tải.
Ông Trương Quốc Hùng, Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao - đơn vị sở hữu hãng Vic Taxi cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp vận tải ủy quyền cho Uber, Grab về giá cước vận tải cũng trái quy định. Hiện có hàng trăm doanh nghiệp là đối tác của Uber, Grab mà hàng trăm doanh nghiệp này ủy quyền với cùng một mức giá là trái luật vì sẽ dẫn đến độc quyền.
“Uber, Grab luôn tự nhận là công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nên được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo Hiệp định chống đánh thuế hai lần. Ngoài ra, khi được xác định là công ty cung cấp phần mềm, Uber, Grab được miễn thuế giá trị gia tăng, chưa kể còn né được hàng loạt ràng buộc khác với doanh nghiệp vận tải”, ông Hùng khẳng định.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã xác định Uber là một công ty dịch vụ vận tải, thay vì một ứng dụng công nghệ như hãng này vẫn tự nhận. Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, nếu là đơn vị cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mại. Uber, Grab cũng không được điều hành trực tiếp hoạt động vận tải, điều hành đặt xe. Các đơn vị này cũng không được ký hợp đồng trực tiếp với lái xe chỉ định tài xế đón khách, tính cước, thu tiền.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, cả Grab, Uber ngay khi triển khai đề án thí điểm đều khẳng định chỉ là đơn vị kinh doanh phần mềm ứng dụng mà không tham gia kinh doanh vận tải để kết nối lái xe và khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị này đang tự quy định giá cước vận tải, điều động phương tiện và có thực hiện thu tiền của hành khách.
“Đây là các yếu tố được quy định cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, không phải là đơn vị cung cấp phần mềm thuần túy”, ông Lâm khẳng định.
Uber, Grab mới chỉ công bố giá cước cho từng chuyến và chỉ khi hành khách đặt xe mới biết giá cước - Ảnh: Tạ Tôn |
Đăng ký trước để tránh độc quyền, lạm quyền
Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, ngoài việc cấm Uber, Grab ở 13 tuyến phố, tới đây, TP Hà Nội sẽ yêu cầu Uber, Grab công khai giá cước vận tải như taxi truyền thống. Sở GTVT không yêu cầu các hãng taxi công nghệ phải chứng minh cơ sở hình thành giá nhưng yêu cầu Grab và Uber phải công khai mức giá trần trong giờ cao điểm, mức giá khuyến mại thấp nhất. Khi giá được công khai là cơ sở giúp người dân tự mình giám sát thực hiện, tránh việc các hãng taxi công nghệ tùy tiện tăng, giảm giá như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Uber, Grab mới chỉ công bố giá cước cho từng chuyến và chỉ khi hành khách đặt xe mới biết giá cước. Bên cạnh đó, giá cước cũng không ổn định ngay trong một ngày. Uber, Grab phải công bố công khai cụ thể giá cước cho từng km theo từng khung giờ, điều kiện thời tiết.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định tại Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính, đối với taxi quy định chủ doanh nghiệp sẽ quyết định giá theo thị trường, nhưng trước khi thực hiện phải kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước. Có 3 loại hình vận tải phải kê khai giá là loại hình xe tuyến cố định, taxi và xe buýt. Hai loại hình còn lại là xe hợp đồng và xe du lịch có phải kê khai giá hay không do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định.
LS. Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Công ty Luật hợp doanh Đông Á cho rằng, người quyết định giá cước, điều chỉnh được lái xe chính là chủ thể hợp đồng, cụ thể ở đây là Uber, Grab. Doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi vận chuyển này ký kết hợp đồng mang tính hình thức. Khi lái xe đấu tranh đòi giảm mức chiết khấu và các quyền lợi khác thì họ đấu tranh với Uber, Grab chứ không phải là HTX vận tải. Phải nhìn thẳng vào bản chất vấn đề hướng đi, để có cách thức quản lý phù hợp.
“Để đảm bảo yếu tố thị trường cũng như cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, tỷ lệ phân chia lợi nhuận phải để hai bên tự quyết định. Còn giá vận chuyển thì cơ quan quản lý buộc phải kiểm soát và phải đăng ký trước, tránh yếu tố độc quyền dẫn đến sự lạm quyền”, ông Vân nói.