Công bố 10 số điện thoại nóng phản ánh “chặt chém vé” dịp nghỉ lễ 2/9 TP Hồ Chí Minh đảm bảo đủ tàu xe phục vụ đi lại dịp lễ 2/9 TP Hồ Chí Minh thí điểm thu phí đỗ xe ô tô qua điện thoại |
Liên quan đến Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nhiều giải pháp và mục tiêu mà thành phố đưa ra rất tham vọng và đầy táo bạo.
Theo ông Hùng, ùn tắc giao thông liên quan đến ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội phải bỏ ra do ùn tắc giao thông trở thành cực kỳ nghiêm trọng và trở thành vấn đề nổi cộm ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Tại buổi họp báo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào chiều 29/8, đề cập đến giải pháp kéo giảm ùn tắc, ông Hùng cho rằng, có nhiều giải pháp như về lâu dài quy hoạch tái cấu trúc không gian phát triển đô thị; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ vận tải công cộng khối lượng lớn; đánh giá tác động giao thông cho mỗi hoạt động xây dựng cho các công trình lớn bao gồm cao ốc, khu đô thị, khu công nghiệp...
“Giải pháp trước mắt là ‘đi hai chân’ hay nói cách khác đó chính là tăng cường năng lực và chất lượng của dịch vụ vận tải công cộng và kết hợp với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để kéo giảm ùn tắc giao thông mà Hà Nội vừa mới thông qua,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.
Ủng hộ Đề án của Hà Nội, ông Hùng nhìn nhận, đề án thể hiện mục tiêu tham vọng táo bạo, thể hiện quyết tâm lớn của thành phố đó là vào năm 2030 phát triển năng lực vận tải công cộng đáp ứng 55% nhu cầu trở lên trong khu vực không gian nội thành, làm nền tảng dịch vụ căn bản cho người dân đi lại.
“Giả sử 55% số chuyến đi bằng vận tải công cộng, còn lại chuyến đi dưới 2km người dân chịu khó đi bộ thì đã bao phủ tất cả nhu cầu đi lại. Tất nhiên, vẫn còn nhu cầu đi lại cá nhân bao gồm xe ôtô, xe máy cho những chuyến đi không thường xuyên, bên ngoài không gian lõi đô thị,” ông Hùng tính toán.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, vận tải công cộng sẽ đáp ứng được 50-55% nhu cầu đi lại của người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). |
Trước đó, tại Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được Hà Nội thông qua, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030", Hà Nội đưa ra mục tiêu tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30% - 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50% - 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.
Để triển khai, thành phố đưa ra nhiều giải pháp và phân chia theo từng giai đoạn cũng như lộ trình thực hiện.
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2018, Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải như quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố; rà soát điều chỉnh, giờ học, giờ làm; thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung; khuyến khích các trường học tổ chức đưa đón học sinh bằng ôtô phù hợp với hệ thống vận tải hành khách công cộng...
Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, thủ đô sẽ áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng; cấp hạn ngạch đối với xe taxi; rà soát, thống kê số lượng xe máy hết niên hạn, kiểm tra khí thải; xây dựng đề án giao thông thông minh...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ôtô, mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố...
Trong giai đoạn 2017 - 2030, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030./.