![]() |
Xuất khẩu "xe cũ 0 km" là một phương pháp đẩy hàng tồn kho ra nước ngoài của các nhà sản xuất xe Trung Quốc |
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trong nhiều năm qua đã thổi phòng doanh số bán hàng bằng cách xuất khẩu xe mới dưới dạng “xe cũ” thông qua một thị trường xám được nhà nước hậu thuẫn, theo Reuters. Những chiếc xe này được đăng ký là đã qua sử dụng ngay sau khi rời dây chuyền sản xuất, cho dù chưa từng lăn bánh, và chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Nga, Trung Á và Trung Đông.
Theo Reuters, hoạt động này cho phép các nhà sản xuất ô tô ghi nhận doanh thu bán hàng trong nước, đồng thời loại bỏ hàng tồn kho khó tiêu thụ tại thị trường nội địa đang bão hòa. Các tài liệu của chính phủ và các cuộc phỏng vấn với đại lý và thương nhân xác nhận quy mô cũng như cơ chế hoạt động của hình thức này.
“Đây là kết quả của cuộc chiến giá kéo dài gần bốn năm khiến các công ty buộc phải chốt lượng tiêu thụ bằng mọi giá,” Tu Le, nhà sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights có trụ sở tại Michigan, nhận định.
Vấn đề này chỉ được chú ý rộng rãi vào tháng 5 năm 2025 khi chủ tịch của hãng Great Wall Motor lên tiếng chỉ trích việc bán xe chưa sử dụng dưới dạng “xe cũ 0 km” trong nước. Sau đó vào ngày 10 tháng 6, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan công luận cấp quốc gia của Trung Quốc, đã lên án hành vi này và kêu gọi “tăng cường quản lý” để khôi phục trật tự thị trường.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương tại nhiều nơi ở Trung Quốc lại đang tích cực hỗ trợ việc xuất khẩu xe chưa sử dụng dưới danh nghĩa xe cũ. Reuters đã tìm thấy các chính sách công khai từ 20 địa phương, bao gồm các trung tâm xuất khẩu lớn như Quảng Đông và Tứ Xuyên, thể hiện rõ sự ủng hộ này.
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm cấp thêm giấy phép xuất khẩu, hoàn thuế nhanh, đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và tổ chức các sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy xuất khẩu loại xe này. Cụ thể, quy trình xuất khẩu xe cũ 0 km hoạt động như sau: một chiếc xe mới đi ra khỏi dây chuyền lắp ráp, một nhà xuất khẩu mua xe trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc đại lý, rồi đăng ký xe với biển số trong nước, và rồi lập tức phân loại xe là đã qua sử dụng để xuất khẩu. Song song với đó, nhà sản xuất ghi nhận số liệu bán hàng và doanh thu tương ứng.
![]() |
Hình ảnh một chợ xe đã qua sử dụng ở Trung Quốc |
Trong hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Trung Quốc, các yếu tố thể hiện tăng trưởng và tạo việc làm có thể ảnh hưởng đến sự thăng tiến và phân bổ ngân sách của các quan chức địa phương, cho dù chúng có thể không phản ánh đúng nhu cầu thực tế. Hai giám đốc giấu tên trong ngành ô tô Trung Quốc đã tiết lộ với Reuters rằng các chính quyền địa phương xem việc bán xe theo hình thức nói trên là cách nhanh chóng để tăng chỉ số GDP.
Hơn nữa, chiến lược xuất khẩu xe cũ 0 km cũng trở thành kênh giải tỏa hàng tồn kho quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cung vượt cầu và nhu cầu nội địa suy giảm. Ông Thôi Đông Thụ, Tổng thư ký của Hiệp hội Xe Du lịch Trung Quốc (CPCA), đã tán dương hoạt động này tại một hội thảo trực tuyến do Tencent tổ chức, cho rằng đây là kênh tiếp cận thị trường mới vì rào cản thương mại toàn cầu gia tăng.
Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau với chiến lược “xe cũ 0 km”. Tháng 2 năm 2024, ủy ban kế hoạch của thành phố Thâm Quyến đã cam kết mở rộng xuất khẩu xe chưa sử dụng để đạt mục tiêu xuất khẩu 400.000 xe mỗi năm. Trong khi đó, thành phố Quảng Châu đã đưa ra cơ chế bổ sung cấp hạn ngạch đăng ký xe địa phương nhằm phục vụ hoạt động này, cho dù trước đó việc cấp biển số mới đã bị giới hạn để kiểm soát ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông.
Hồi tháng 10 năm ngoái, tỉnh Tứ Xuyên cho biết trong một tài liệu chính sách rằng họ đã hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến cho xe điện chưa sử dụng thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba International, nơi có khoảng 100 nhà bán xe đã qua sử dụng tại địa phương đang hoạt động.
Ngoài các khu vực kể trên, Reuters phát hiện rằng cả tá chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy xuất khẩu xe cũ 0 km làm một phần mấu chốt trong chiến lược tăng trưởng của mình.
Thời điểm thị trường chuyển dịch
Hình thức xuất khẩu này đã bắt đầu từ sau năm 2019, khi Trung Quốc lần đầu cho phép xuất khẩu xe đã qua sử dụng. Đến nay, khoảng 90% trong số 436.000 xe du lịch và xe thương mại đã qua sử dụng xuất khẩu trong năm 2024 được cho là xe cũ 0 km, theo một cố vấn của Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc (CADA).
![]() |
Hiện nay, Trung Quốc đang là nhà xuất khẩu xe ô tô lớn nhất thế giới |
Phần lớn số xe này là xe chạy xăng vốn ngày càng kém hấp dẫn tại thị trường nội địa, nhưng xe điện cũng chiếm tỷ trọng đáng kể nhờ các khoản trợ giá hào phóng từ chính phủ. Ông William Ng, giám đốc thị trường quốc tế của công ty Huanyu Auto tại Trùng Khánh, chia sẻ rằng công ty đã tham gia lĩnh vực xuất khẩu xe cũ 0 km từ năm 2022 và từng thu lợi nhuận 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng) từ việc bán một chiếc xe điện mua với giá 40.000 nhân dân tệ (145 triệu đồng) tại nội địa sang thị trường Trung Á.
Tất nhiên, không phải ai trong ngành ô tô Trung Quốc cũng ủng hộ hình thức này. Ngày 7 tháng 6, Chủ tịch hãng xe Changan, ông Chu Hoa Vinh, đã kêu gọi siết chặt kiểm soát xuất khẩu xe cũ 0 km, cảnh báo điều này có thể “gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh các thương hiệu Trung Quốc ở nước ngoài.” Ông Hình Lỗi, người sáng lập công ty tư vấn AutoXing tại Massachusetts, cho rằng hoạt động này có thể khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nghi ngờ số liệu bán hàng của các nhà sản xuất xe Trung Quốc. “Bao nhiêu là thật hoặc là thổi phồng? Không ai biết cả,” ông nói.
Lo ngại về “bán phá giá” và phản ứng quốc tế
Làn sóng xuất khẩu ồ ạt xe mới dưới danh nghĩa xe cũ đang làm dấy lên lo ngại về hành vi bán phá giá ở nước ngoài với số lượng lớn trong giai đoạn Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường thay thế sau khi Mỹ áp thuế nặng.
Gần đây, một số quốc gia bắt đầu có biện pháp phản ứng vì lo ngại xe nhập khẩu sẽ làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến các nhà phân phối nội địa. Trong năm 2023, Nga đã ra lệnh cấm nhập xe cũ 0 km của các thương hiệu Trung Quốc như Chery, Changan và Geely nếu họ đã có nhà phân phối chính thức tại Nga. Các chính phủ nước khác, bao gồm Jordan, cũng đang điều chỉnh lại định nghĩa pháp lý về xe đã qua sử dụng, yêu cầu thời gian đăng ký dài hơn trước khi được coi là xe cũ hợp lệ, Reuters cho biết.
Ngay cả tại Trung Quốc, thị trường xe ô tô này cũng đang trở nên khó kiểm soát. Đại diện từ Huanyu Auto cho biết các cá nhân nhỏ lẻ và người bán hàng qua mạng xã hội như TikTok cũng đang ồ ạt tham gia bán xe cũ 0 km, qua đó khiến cạnh tranh tăng lên và lợi nhuận giảm xuống. “Họ từng bán bình hoa, rượu vang, và giờ thì bán xe cũng kiểu đó,” ông William Ng nói. “Thật sự hỗn loạn.”
Duy Thành