Đúng 50 năm trước, Đội trưởng nhiệm vụ Apollo 15, phi hành gia David R. Scott đã không thể kiềm chế cảm xúc khi anh thông báo một khám phá quan trọng về phòng điều hành ở trái đất. Anh đã tìm được viên “Đá Khải Huyền”, là một mảnh đá thuộc lớp vỏ nguyên sinh của mặt trăng, vốn có tuổi đời được xách định là khoảng 4 tỷ năm.
Người Mỹ đã chiến thắng người Nga trong cuộc đua lên mặt trăng |
Khám phá này cùng rất nhiều thông tin quan trọng khác sẽ không được các phi hành gia tìm ra nếu như họ không có chiếc xe đặc biệt được chế tạo để chạy trên mặt trăng: Lunar Roving Vehicle, hay còn được biết đến với cái tên Lunar Rover. Chiếc Lunar Rover được sử dụng cho nhiệm vụ Apollo 15, 16 và 17 và trong lần cuối cùng nhân loại đặt chân lên mặt trăng, một sự cố đã xảy ra với chiếc xe quan trọng này.
Trong một chuyến du hành trên bề mặt mặt trăng, chiếc búa móc của phi hành gia Gene Cernan đã vô tình mắc phải tấm cản bụi của chiếc Lunar Rover khi đang lăn bánh. Hậu quả là bánh sau bên phải của Lunar Rover bắn cát bụi tung tóe. Nghe chừng thì việc này cũng chẳng nghiêm trọng gì nhưng thực tế là bụi mặt trăng sẽ bám chặt vào bộ đồ bảo hộ cũng như chiếc Lunar Rover, hấp thụ sức nóng của mặt trời và gây hỏng hóc cho những thiết bị đặc biệt quan trọng này. Đúng vậy, chỉ vì một chút bụi mà cả nhiệm vụ trị giá 450 triệu USD vào năm 1971 (tương đương 3 tỷ USD hiện tại) có nguy cơ đổ bể!
Nguyên mẫu Lunar Rover ở trái đất |
“Ôi thôi, các anh không tin được đâu, tấm cản sau rách toạc rồi, trời ơi!”, Gene Cernan thông báo cho các đồng nghiệp ở trái đất. Tại trạm kiểm soát ở Houston, các kỹ sư đang chạy đua với thời gian để giải quyết vấn đề ở cách họ gần 400.000 km, cố gắng cứu vãn nhiệm vụ Apollo 17. Cuối cùng, giải pháp của họ là rất đơn giản: sử dụng 4 tấm bản đồ, 1 đống băng dính và 2 chiếc kẹp, hai phi hành gia đã chế tạo được 1 tấm cản tự chế và có thể tiếp tục lái chiếc Lunar Rover an toàn.
Kinh phí nghiên cứu và chế tạo Lunar Rover chỉ chiếm khoảng 3% tổng ngân sách 450 triệu USD cho nhiệm vụ Apollo 15 nhưng tầm quan trọng của cỗ máy này là lớn hơn nhiều so với con số 3%. Kể từ nhiệm vụ Apollo 11 vào tháng 7 năm 1969, NASA tiếp tục hoàn thành thêm 6 nhiệm vụ nữa, đưa 12 phi hành gia đặt chân lên mặt trăng. Trong 3 nhiệm vụ đầu tiên, các phi hành gia phải đi xe “hai cẳng”. Việc phải đi bộ ở mặt trăng khiến họ không di chuyển được quá xa so với điểm đáp tàu vũ trụ. Lunar Rover đã tạo ra một bước ngoặt cho các nhiệm vụ Apollo cuối cùng.
Hãy nhìn những chiếc ghế của Lunar Rover, chẳng khác gì ghế bạt tại các quán cafe! |
“Phi hành gia đều là những cá nhân kiệt xuất cả về trí tuệ và thể lực, đi bộ thì có gì mà khó khăn?”, rất có thể bạn đang tự hỏi điều này. Nguyên nhân là bộ đồ bảo hộ của họ không hề bình thường một chút nào. Bộ đồ bảo hộ được tạo nên bởi 21 lớp, nặng 127 kg ở trái đất, tức là khoảng 21 kg ở mặt trăng. Thiết kế cồng kềnh và cân nặng khiến phi hành gia phải rất vất vả khi di chuyển trong nó, dù trọng lực ở mặt trăng chỉ bằng 1/6 trái đất.
“Nó giống như mặc mười mấy cái áo mưa một lúc, buộc chặt lại và bơm đầy khí sao cho căng phồng như 1 cái lốp xe vậy”, ông Earl Swift – tác giả cuốn sách mô tả trải nghiệm trên mặt trăng, đã mô tả như vậy. “Ngay cả việc gập cánh tay cũng là một thử thách, bạn thấy trên cái thước phim quay ở mặt trăng, các phi hành gia đều nhảy cóc như những chú thỏ vì đó là cách tiết kiệm năng lượng nhất khi di chuyển”.
Bản phác thảo cực kỳ đơn giản, nhưng dự án Lunar Rover cần tới 38 triệu USD để thực thi |
Tác giả này cũng mô tả thêm: “Đường chân trời trông gần hơn so với thực tế, một rặng núi cách xa bạn gần 20 cây số nhưng tưởng như chỉ cách một vài cây thôi. Bầu trời thì đen thẳm, không cây cối, không có mây, tất cả đều khiến cảm giác về khoảng cách của bạn bị đảo lộn”.
Chiếc Lunar Rover đã thay đổi hoàn toàn cách con người khám phá mặt trăng. Các phi hành gia có thể lái xe trong phạm vi rộng hơn, khám phá những ngọn núi cao, thu thập nhiều mẫu vật hơn và tiết kiệm sức hơn. Ở nhiệm vụ Apollo 11, Neil Armstrong và Buzz Aldrin chỉ có thể di chuyển trong bán kính 60 mét tính từ tàu vũ trụ. Nhờ Lunar Rover, các phi hành gia của Apollo 17 đã di chuyển được tổng cộng 27 km.
Với một chiếc kính viễn vọng, người đam mê vũ trụ có thể ngắm điểm đáp xuống của Lunar Rover trên mặt trăng! |
Khi dự án chế tạo xe chạy trên mặt trăng ra đời, Chrysler mới là lựa chọn đầu tiên của NASA. Tuy nhiên, cỗ máy của Chrysler đòi hỏi 2 phi hành gia phải ngồi trước sau thay vì ngồi song song như Lunar Rover của General Motors, thiếu chỗ để đồ và nếu như một trong hai phi hành gia gặp vấn đề thì rất khó để người còn lại xử lý tình huống. Điều đó khiến thiết kế thân thiện hơn của General Motors/Boeing trúng thầu và Lunar Rover được đưa vào sản xuất.
Lunar Rover là trợ thủ đắc lực của phi hành gia Mỹ |
Lunar Rover được thiết kế để có trọng tải 453 kg, bản thân nó có khối lượng 210 kg ở trái đất nhưng chỉ khoảng 35 kg ở mặt trăng nên các phi hành gia có thể nhấc bổng nó lên khi cần thiết. Xe Lunar Rover cũng có thể gấp gọn để nhét vừa vào không gian chật hẹp của tàu vũ trụ. Khi gập vào thì nó có kích thước chỉ bằng một cái lều nhỏ còn khi bung ra, chiếc Rover còn ngắn hơn chiếc Mazda Miata tới 80 cm.
Bánh xe rất đặc biệt của Lunar Rover |
Dù trông không giống bất cứ chiếc xe hơi nào trên trái đất nhưng Lunar Rover vẫn là một trong những cỗ máy 4 bánh nổi tiếng nhất thế giới. Lunar Rover được sản xuất từ thập kỷ 70 nhưng ẩn chứa trong nó là những giải pháp công nghệ rất thông minh và hiện đại. Phần bánh xe được thiết kế dạng lưới thép thay vì dùng lốp cao su thông thường và chỉ nặng 5,4 kg mỗi bánh. Mỗi bánh xe được gắn một mô tơ điện có công suất tối đa 1 mã lực, không mạnh hơn động cơ máy cắt cỏ nhưng chừng đó là đủ để Lunar Rover chạy trên mặt trăng. Các kỹ sư cũng tính đến trường hợp nếu 3 mô tơ bị hỏng thì 1 mô tơ còn lại cũng đủ công suất để hai phi hành gia trở về bãi đáp.
Lunar Rover được vinh danh trên một miếng tem phiên bản hữu hạn |
Lunar Rover được thiết kế để đạt tốc độ tối đa 13 km/h, nhưng ông Eugene Cernan đã lái nó đến vận tốc 18 km/h qua đó giành danh hiệu “Người đàn ông nhanh nhất Mặt Trăng”. Chiếc Lunar Rover cũng có thể được điều khiển từ xa và có trang bị camera màu nên các phi hành gia có thể điều khiển nó quay cảnh tàu vũ trụ cất cánh trở về trái đất. Có thể thấy rằng Lunar Rover, quốc kỳ Mỹ và những dấu chân của phi hành gia là điều tự hào của người dân nước Mỹ trong một thời kỳ chạy đua công nghệ vũ trụ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Giờ đây, ai sẽ là người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa?
Phạm Vĩ