Lấy tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự dễ dàng: Đừng nói khoác! Lái xe, nhường đường hay không nhường? "Lốp sinh ra để hỏng, để thay... đừng tiếc" |
Khi bắt đầu ấp ủ mở một trung tâm chăm sóc xe hơi, thường anh em sẽ nghĩ trong đầu: "Xe hơi là một thứ đắt tiền. Mình mở trung tâm chăm sóc xe chắc chắn sẽ kiếm được!”. Mình làm nghề này cũng khá lâu (đủ 10.000 giờ) mà theo một câu nói nào đó: "10.000 giờ là khoản thời gian luyện tập có chủ đích cần thiết để trở thành bậc thầy trong bất kì lĩnh vực nào!"
Câu trên chắc chẳng đúng với mình, làm gì có bậc thầy ở đây. Nhưng mình đã trải qua các cung bậc cảm xúc mà nhiều anh em đã, đang và sẽ trải qua. Những ai sẽ trải qua hãy tham khảo bài viết này để xác định rõ mình cần làm gì để khỏi vấp ngã đau như mình đã vấp nhé.
Trước tiên mình sẽ nói về sai lầm. Sai lầm là thứ chúng ta không phải trả bằng ít tiền thì chắc chắn sẽ phải trả bằng nhiều tiền hoặc rất nhiều tiền. Có người tặc lưỡi "Bài học kinh nghiệm mua được bằng tiền", có người thì bi quan, sau đó thì bán tống bán tháo xưởng với cái giá rẻ mạt.
Khi bắt đầu ấp ủ mở một trung tâm chăm sóc xe hơi, thường anh em sẽ nghĩ : "Xe hơi là một thứ đắt tiền. Mình mở trung tâm chăm sóc xe chắc chắn kiếm được”. |
1. Nghĩ có tiền sẽ thành công
Tiền là một thứ ma lực khiến ta nghĩ, có nó ta sẽ có quyền lực và thành công. Vậy có phải có tiền là sẽ có tất cả không? Tất nhiên rồi, nhưng đó là khi bạn có tiền quyển, bạn tiêu mãi mà chả thấy vơi. Còn với mình thì sao? Tiền có nhưng không nhiều, nó là mồ hôi nước mắt tích luỹ từ trước, là một món nợ trong tương lai phải trả và còn đọng lại sau khi tiêu tiền, đó là “kinh nghiệm”.
Khi mở xưởng, chúng ta thường giữ một cái tôi rất lớn - cái tôi của con ếch ngồi đáy giếng (mình nói thẳng và thật như thế). Con ếch nghĩ "mình chỉ cần bỏ tiền ra xây cái cầu thang, thế là có thể lên miệng giếng" mà chẳng ngờ được rằng khi lên miệng giếng thì nó lại rơi ngay vào sa mạc hay có con rắn chờ sẵn trên đấy, đớp một cái thế là hoá thiên thần luôn. Một số đặc điểm của anh em sắp và bắt đầu mở xưởng khi đang cầm một cục tiền (thường từ 200-800 triệu) đó là:
- Xây dựng cái xưởng thật đẹp nhưng không đầu tư vào những cái cần thiết (là cái mái che, là một cái nền xưởng thật khô ráo và thoáng mát) mà lại đầu tư vào các thứ trang trí mĩ miều và sang chảnh (như ốp lên cái xưởng nào là alu, nào là đèn, nào là kính, nào là một cái phòng phủ siêu đẹp, nào là các đồ trang trí để nâng tầm đẳng cấp...)
Nhiều ông chủ đổ tiền xây dựng xưởng rất đẹp nhưng lại không đầu tư vào những cái cần thiết như mái che, nền xưởng (Ảnh: TTCS xe nơi Ofer - Nguyễn Linh làm việc) |
- Mua thật nhiều máy móc (theo lời quảng cáo "khiến bạn kiếm được nhiều tiền") mà chẳng biết sau này có dùng đến, có hữu ích hay không. Nói chung, máy nước nóng, các dụng cụ "made in China" lắm chức năng, tay quay rửa xe, máy chà đánh da…. là mấy cái đồ có cũng được, không có cũng không sao, đỡ tốn tiền. Mình từng ngu, từng sắm nhiều, theo thời gian nó hỏng hết (vì đồ lắm chứng năng mà rẻ tiền chắc chắn là đồ ôi).
Giờ mình chỉ rút ra những cái cần thiết như: Máy bơm rửa xe (sắm càng nhiều càng ít), súng lốc xoáy hàng xịn, chổi lông mềm (mua chổi sơn thôi, dăm ba cái chổi detailers không dành cho thợ Việt Nam), khăn đủ màu, máy sấy quần áo, máy nén khí loại xịn, hệ thống ống khí nén tốt, hệ thống tủ điện tiêu chuẩn (kỹ sư thiết kế hẳn hoi), hoá chất xịn và an toàn. Chỉ cần thế là đủ.
2. Không biết gì về nghề
Nếu ai có suy nghĩ "Không cần biết gì về nghề, chỉ cần có tiền đi thuê là thành công" thì bỏ ngay đi nhé. Mở một cái xưởng ra mà không biết gì về nghề, không nắm trong tay kỹ thuật căn bản, không có khả năng đọc hiểu hoá chất, không hiểu tháo lắp đồ cơ khí… thì đảm bảo chỉ đốt tiền một cách ngu ngốc thôi. Rất nhiều xưởng mình biết, chỉ cần một thợ chính nghỉ việc là đóng xưởng luôn, bao nhiêu tiền bạc mồ hôi đổ vào đều trôi xuống sông, xuống biển hết.
Một ông chủ, mở xưởng ra mà không biết gì về nghề, không nắm trong tay kỹ thuật căn bản, không có khả năng đọc hiểu hoá chất, không hiểu tháo lắp đồ cơ khí… thì đảm bảo chỉ đốt tiền một cách ngu ngốc. |
Mà nếu ông nào nghĩ thế thì ông đó là người vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm ở đây là các ông đang thi công xe cho khách, nhưng căn bản các ông không nắm được một cái gì. Đấy gọi là phá xe. Các ông lấy xe khách hàng làm vật "thí nghiệm" cho các ông, khác gì bác sĩ không học mà tập mổ trên người đang sống. Nói ra thì hơi nặng nhưng đầy ông như thế, sờ đâu hỏng đấy, chọc đâu thủng đấy, xịt hoá chất tùm lum tè le xong lại lên mạng kêu cứu: "Các bác giúp em!"
3. Thuê thợ lương cao nhưng không nắm rõ thợ có năng lực thật sự hay không?
Nó lại là vì cái ý thứ hai ở trên. Do không biết gì về nghề nên sẽ dẫn đến tình trạng tuyển thợ dựa trên số năm kinh nghiệm (cứ thấy thợ có mấy năm kinh nghiệm là tuyển, chẳng biết năng lực thực của họ tới đâu). Trong khi, cái gì nó cũng phải có thang điểm, dựa vào đâu, dựa vào cái gì để định hình thợ “giỏi” là phải có tiêu chuẩn cụ thể. Mà muốn có cái đó thì cái ý thứ hai ở trên các ông phải có.
Thuê thợ nhưng không hiểu rõ và nắm được năng lực của thợ cũng là một sai lầm nghiêm trọng |
4. Muốn thợ gắn bó nhưng không trả lương đúng năng lực
Kinh doanh tiếng Anh nó là business. Không có anh em bạn bè gì ở đây cả, mà dù là anh em bạn bè thì lúc kinh doanh cũng phải dựa trên việc đôi bên cùng có lợi. Sức lao động phải được định giá, thế mới sinh ra cái thị trường lao động, rồi phỏng vấn đàm phán ra mức lương. Thợ người ta làm tốt, đạo đức tốt thì ắt hẳn lương phải xứng đáng. Nhiều ông làm chủ cái gì cũng muốn, muốn thợ làm nhiều (từ 6h sáng tới 8h đêm) nhưng không muốn trả thêm tiền vì “tình anh em”. Xin lỗi. Anh em gì cái kiểu đó, anh em để lợi dụng nhau à? Bớt kêu ca than vãn vì thợ bỏ đi đi. Hãy soi lại mình trước đi nhé. Nói thì thô mà thẳng nhưng bớt tham đi.
Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ email: otofun@otv.vn
Ofer - Nguyễn Linh