Sợ bộ đàm lâu ngày không dùng bị mốc, nên cứ đều đặn hàng tháng lại tổ chức các chuyến đi. Có vẻ như mật độ các chuyến đi ngày càng dày đặc hơn. Nhưng hầu hết các chuyến mới đều có lịch trình và điểm đến khác các chuyến cũ, có lẽ khám phá những vùng đất mới như ngấm vào máu của nhóm. Cũng như nhiều điểm khác, Móng Cái đã 12 năm chưa quay trở lại, còn Bình Liêu thì chưa đặt chân đến bao giờ. Trước khi đi cũng lên lịch trình khá chi tiết, tham khảo nhiều chuyên gia nhưng đúng là đi thực tế cũng có nhiều cái khác biệt. Đường đi từ thủ đô có lẽ không có gì đặc biệt, nên lịch trình đường đi bắt đầu từ điểm mới: Tiên Yên!

Vừa lập thu được một thời gian ngắn, không khí se lạnh buổi sớm không làm kém đi độ nhiệt huyết của các gia đình tham gia. Lần này có 6 gia đình tham gia với tổng số 26 thành viên, trong đó có 1 gia đình tham gia lần đầu, còn lại là các thanh viên 7X đã từng đi với nhau rất nhiều chuyến. Mời các bác khám phá một hành trình mới, một hành trình khám phá vùng biên, đường tuần biên đầy cảm xúc.
Thường lệ hàng năm, theo thống kê trên VTV thì ngày lễ quốc khách có đến >80% trời sẽ có mưa và năm nay cũng không ngoại lệ. Mưa bắt đầu từ tối mùng một, ngồi đếm mưa kể cũng buồn và cũng hơi lo vì thường chuyến nào đi cũng có mưa. Sáng ra trời vẫn mưa, mưa nhỏ hơn những vẫn theo địa chỉ cũ hẹn nhau ở đầu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để xuất phát. Đúng 5h15 đoàn xuất phát theo cung đường mà đợt rồi đi liên tục: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - QL. 10 -QL. 18....
Trời mù mịt sương trên cao tốc.

Đến trạm thu phí QL 10, trời vẫn mưa.

Con đường quen thuôc sau 3 chuyến đi: Minh Châu, Cát Bà và giờ là Móng Cái, hôm nay nghỉ lễ có vẻ đường cũng vắng hơn.

Đến Cầu Kiền - Quán Toan trời có vẻ tạnh mưa, bắt đầu thấy xuất hiện các quầng sáng báo hiện trời sẽ nắng.

Thêm đoạn nữa thì trời tạnh hẳn, đường khô ráo.

Qua mấy chuyến đi gần đây, thường đến Tp Uông Bí ăn sáng loanh quanh phía ngoài. Ở Uông Bí có nhiều quán ăn sáng ngon, nên sau mấy chuyến ăn uống qua loa, giờ phi vào trung tâm tìm quán Bún tôm để ăn thử
Ngã 3 QL 18 - Tp Uông Bí.

Hà Nội bún thang, Nam Định bún cá, Huế bún bò giò heo, ngoài ra còn có bún xương, bún chả, bún ốc, bún cua... Mỗi thứ đều có một hương vị đặc trưng, mà có giả làm thử cũng không sao ngon bằng hàng quà truyền thống. Bún tôm Uông Bí cũng không phải là ngoại lệ. Vào ăn sáng mà mãi mới có chỗ để xe mặc dù đường khá rộng.

Trong thành phố có nhiều hàng bún, nhưng có lẽ có tiếng và đông khách nhất là hàng bún ở địa chỉ này. Món ngon đồn xa, quán lúc nào cũng đông nghịt khách. Bún tôm ở đây có cái vị rất riêng.

Tôm làm bún là loại tôm vừa phải, lột vỏ tẩm ướp hương vị và xào qua cho săn chắc. Những thân dọc mùng đã tước vỏ, xanh mướt, thái từng đoạn đều răm rắp. Nồi nước dùng sôi lăn tăn, ngọt lừ, nhấp nhánh những ánh vàng bóng mỡ. Vừa ăn vừa xuýt xoa, để vị cay dịu của ớt, tiếng sần sật của dọc mùng tái, vị bùi của thịt chả và vị ngằn ngặt, sậm sật của tôm tan nơi đầu lưỡi. Nhìn đã thấy thèm!

Diếp cá là món rau sống được ưa chuộng nhất của người dân Uông Bí. Bước vào bất kỳ hàng ăn nào trong thành phố bao giờ cũng thấy rau diếp cá chiếm vị trí trung tâm trên đĩa rau sống. Loại rau này khi mới ăn lần đầu có cảm giác tanh tanh, chua chua, hơi khó ăn, ăn quen miệng thấy mát dịu, thanh, ăn với bún tôm quả là một niềm đắc ý, hiếm có loại rau nào sánh được.

7h30 ăn sáng xong cũng là lúc chuẩn bị lên đường thì trời cũng đã hửng nắng, đúng là trời không phụ lòng người!

Càng chạy xuống phía Hạ Long đường càng khô cong, chứng tỏ không có mưa tý nào. Đường từ cầu Bãi Cháy xuống.

Đường từ Hạ Long đi Cửa Ông đang làm dở, tốc độ đi như rùa.


Đường qua TT Cửa Ông - Cẩm Phả.

Đến điểm rẽ đi Móng Cái và Mông Dương trở đi quá đẹp so với tưởng tượng mặc dù có một số đoạn đang làm dở. Trước kia đi cứ nói đến đường đi Móng Cái là nghĩ ngay đến đuờng xấu, quanh co và khó đi. Thời gian đi lại khéo mất cả ngày đường, nhưng giờ thì quá đẹp.


Dự kiến lịch trình chạy mất khoảng 7 tiếng (dự kiến 14h chiều mới đến nơi), nhưng nhìn đường mịn như da em bé như này nên lái quá sướng, không một chút nghĩ ngợi.

Đẹp không kém cao tốc Nội Bài - Lào Cai.


Địa phận Huyện Tiên Yên.

Ngã ba đường rẽ đi Móng Cái và đường rẽ đi Lạng Sơn.

Đang băng băng trên đường vui vẻ, tự dưng thấy đoàn xe ùn lại. Kể cũng lạ, cầu đang làm mà tự dưng 2 xe khách đi thẳng, không ai chịu nhường ai, thành ra suýt tắc đường. Đúng kiểu 2 con dê qua cầu!

Suýt nữa thì tắc đường.

Mới hơn 11h trưa, biển TP Móng Cái bằng 3 thứ tiếng đã xuất hiện. Quá nhanh so với dự kiến, chắc do đường đẹp và đi đường thuận lợi.

Chốt kiểm dịch ngay đầu vào thành phố.

Cũng ngắm nghía qua thông tin mạng trước khi đi nhưng khi đặt chân đến thành phố thấy cũng khá bất ngờ và khác xa với lần trước. Hiện tại dường như mang dáng dấp của một thành phố hiện đại với đường xá rộng rãi, nhà cửa khang trang.




Khách sạn đặt trước gần phố đi bộ, chợ trung tâm và cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Trên cầu Ka Long.

Rẽ vào phố đi bộ.


Chợ trung tâm

Khách sạn nơi đoàn đến - khách sạn Quảng An, giá cũng hợp ví: 600 nghìn 1 phòng 4 giường.


Khách sạn giáp biên nên mọi thứ đều chữ Tàu đến khổ.


Cũng đã trưa, đói, nên cả đoàn kéo nhau đi ăn. Lần này nhờ khách sạn đặt trước nên chỉ việc cất đồ và ra quán.

Tên quán quá hay, đọc 1 lần nhớ mãi, đến giờ em vẫn chưa biết gà loại này là loại gì.

Chắc không phải món này.

Đến cũng sớm hơn dự kiến nên tranh thủ làm vài lon bia, nghỉ trưa để chiều khám phá Tp Móng Cái và Trà Cổ.

Về nghỉ trưa một lúc lại không quen, nhìn thấy khách sạn cũng cao cao nên lên tầng thượng quan sát toàn cảnh Móng Cái. Đúng là có quá nhiều nhà cao tầng so với ngày xưa. Quá trình đô thị hóa đã biến khu vực giáp biên này thành một thành phố sầm uất.



Lên cao soi xuống chán vẫn chưa đến 15 giờ để xuất phát nên xuống lấy xe chạy lòng vòng một chút ngắm trực tiếp.

Cầu Ka Long nôi liền đôi bờ Sông Ka Long trước kia có tên là sông Mang, hay còn gọi là sông Bắc Luân, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy theo hướng Đông Nam đổ vào vịnh Bắc bộ tại cửa Bắc Luân. Dòng sông “Nhất giang lưỡng quốc” này đã tạo thành biên giới tự nhiên dài 60km giữa thành phố Móng Cái và thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Trên thân cầu còn có dòng chữ “Tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững” được viết bằng tiếng Việt và tiếng Hoa.

Cây cầu này được thiết kế bởi một nữ kiến trúc sư người Pháp, do công nhân Trung Quốc và Việt Nam thi công, xây dựng từ những năm 1950 đến năm 1964 thì hoàn thành. Cây cầu ngay khi “ra đời” đã được chứng kiến cuộc đấu tranh chống ngoại xâm đầy anh dũng của quân và dân Móng Cái, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh hào hùng của cả dân tộc. Cũng bởi thế, nhắc đến cầu Ka Long là nhắc đến biểu tượng lịch sử đầy tự hào trong tiềm thức mỗi người con nơi địa đầu Tổ Quốc.

Ngôi nhà nằm cạnh bờ sông mang dáng dấp của Châu Âu.

Nằm ngay cạnh cầu Ka Long là Công viên Ka Long - Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Móng Cái.



Đi tiếp trên trục đường này là trung tâm hành trình Móng Cái thì phải.

Gần 15h cũng phải quay về để cùng đoàn khám phá Móng Cái, Trà Cổ và các điểm khác.

Trở về khách sạn đã thấy đoàn chờ sẵn để chuẩn bị thăm thú Móng Cái, được cái giờ giấc hẹn chuẩn nên đúng giờ là xuất phát. Điểm đến gần khách sạn là cửa khẩu Quốc tế Móng cái, có đi qua Đồn biên phòng Móng Cái.

Cửa Khẩu Quốc tế Móng Cái nằm trên Đại lộ Hoà Bình.

Ở nhà lên lịch thì háo hức lắm, đích đến là cột mốc 1.378, nhưng xem nhiều bài và hỏi cả biên phòng thấy khó khăn nên đành đi vào phía trong để xin biên phòng cho thăm cột mốc 1.369 phía trong Cửa khẩu.
Cận cảnh cửa khẩu

Phi luôn vào luồng xuất cảnh mới máu.

Lại quay ra hỏi mấy anh biên phòng và được hướng dẫn xếp hàng và đi trật tự vì vùng biên khá phức tạp.

Biên phòng có cho người đi theo và hướng dẫn chi tiết chỉ được phép đến cột mốc trước cái cầu và quay lại. Toàn cảnh phía trong cửa khẩu.

Phía mình

Khu miễn thuế.

Có cái xe zeep đặt giữa cửa khẩu không biết có mục đích gì, tên: ARAMY.

Lưu dấu kỷ niệm của tập thể nhóm tại cột mốc 1.369.

Ngày 27.12.2001 khánh thành cột mốc ở hai đầu cầu Bắc Luân tại thị xã Móng Cái và thị trấn Đông Hưng. Đây là sự kiện mở đầu cho giai đoạn cắm mốc thực địa theo Hiệp định về Biên giới trên đất liền, ký tháng 12/1999. Mốc giới đầu tiên mang ký hiệu 1369, cao 2,2 m, rộng 50 cm và được làm bằng đá hoa cương, trên đó có gắn quốc huy Việt Nam – Trung Quốc.

Được một lúc nóng quá, lũ nhóc cứ đòi ra biển nên đành chiều các sếp nhỏ để lên đường đi Trà Cổ. Đại lộ Hòa Bình cũng khá đẹp

Mũi Ngọc, Bãi Trà Cổ... cách trung tâm hơn 10km, nên chạy xe một lúc cũng thấp thoáng các điểm thăm quan đầu tiên. Lại phải dừng xe để chụp kỷ niệm.

Biểu tượng du lịch ngã ba Trà Cổ - Bình Ngọc là cụm biểu tượng điêu khắc bằng đá bao quanh một trụ đỡ bằng bê tông cốt thép với các chi tiết kiến trúc nghệ thuật như khắc họa ở đỉnh trụ, họa tiết trang trí ở phần chân đế…


Đường ra mũi Sa Vĩ thẳng tắp với hai bên phi lao xanh vi vút.

Đi đúng dịp lễ nên có vẻ điểm này cũng thu hút khá đông du khách đến tham quan du lịch.


Cột biểu tượng Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước lúc nào cũng được quây kín người và hở ra là chụp.

Biểu tượng km số 0 cũng vậy.

Định vào cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ hay còn gọi là mũi Gót nhưng thấy đông du khách quá, cũng tầm 16h, lũ trẻ cứ đòi tắm biển nên chỉ lướt qua chứ không vào.

Đối diện có biển chỉ dẫn các điểm đến ở Móng Cái.

Quay ra tìm bãi tắm, cũng chưa biết bãi nào với bãi nào vì cũng nhiều điểm rẽ ra nên cứ chỗ nào đông xe thì rẽ vào. Trên đường quay ra qua sân golf Vĩnh Thuận - được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, chạy dọc theo bờ biển dài 3km. Sân có đường bóng 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế và phong cách Links. 72 gậy với tổng chiều dài đường bóng là 7204 Yards; sân cỏ rộng với diện tích 2.000.000m2.

Rồi nhà thờ Trà Cổ, cũng là 1 trong 12 điểm du lịch nên đến ở Móng Cái.

Bãi Trà Cổ thì vẫn như xưa, bãi rộng rãi, thoáng người, nhưng phù hợp với ngồi hóng gió hơn là tắm.


Hàng quán cũng mọc lên khá nhiều, nhưng nhìn chung giá cả cũng hợp lý.

Tranh thủ làm mấy lon bia, mực khô và trái dừa nhâm nhi cũng hợp lý.

Trên bãi tắm phải nói là cực nhiều vỏ ốc nên nếu đi không cẩn thận dễ bị đâm chảy máu, kể ra đây cũng là một hạn chế lớn khi tắm biển. Muốn tắm ngon lành thì phải ra khá xa.


Lũ trẻ thì cứ có biển và chỗ chơi là thích rồi.

Ra biển vẫy vùng một lúc cho sảng khoái.

Hoàng hôn xuống dần trên bãi biển cũng là lúc bắt đầu hò nhau đi ăn tối.

Không giống thông lệ, lần này phá lệ làm một bữa hải sản phải nói là no đến 3 ngày ở quán ven biển - Tám Mão. Hải sản tươi ngon!

Cũng khá đông khách.

Mời các bác: tôm tươi, bề bề, ghẹ, rồi cá..

Kèm với rượu Bắc Hà, bọc bằng giấy bạc tránh ánh sáng - thơm ngon đến giọt cuối cùng.

Nhậu cũng đến độ, cũng đến giờ ra về để còn lang thang đêm, nghe đồn từ nhà có chợ đêm hay lắm.
Khi bắt đầu đi cũng có nhiều người bảo tầm 20h đêm Móng Cái đấ vắng tanh không có người đi chơi đêm mấy. Nhưng khi hoạt động từ cuối tháng 5-2015, phố đi bộ Trần Phú là tuyến phố đi bộ đầu tiên trên địa bàn TP Móng Cái. Cũng là tuyến phố đi bộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Phải nói là quá nhiều hàng Trung Quốc giá rẻ, chỉ để ngắm chứ mua thì cũng không biết dùng như nào.



Các hàng ăn uống, đặc sản cũng nhiều.


DJ ngay trên phố

Biểu diễn trên phố.

Kể ra thì cũng đông người thật.

Đi một lúc đến tầm 22h thấy nhiều cũng giống nhau, không mua sắm được gì mà có người thốt lên sao giống Hàng Ngang, Hàng Đào quá nên cũng về để ngủ nghỉ, kết thúc một ngày quần quật từ 5h sáng đến 22h đêm với nhiều cảm xúc. Ngủ lấy sức để tiếp tục hành trình ngày sau.
(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên dmdviet, diễn đàn OTOFUN. BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.
Cận cảnh cửa khẩu.
Kể ra thì cũng đông người thật.