Sáng mùng 5 Tết Nguyên đán Đinh Dậu, anh Thu cùng gia đình đi lễ đầu năm tại đền Đô (Bắc Ninh). Đang lưu thông trên đường, anh giật mình vì tiếng động cơ gầm rú từ phía sau. Rồi một nam thanh niên (quen gọi là biker) trong trang phục đỏ đen, “cưỡi” chiếc xe PKL nhãn hiệu Ducati phóng vọt qua. Vừa nẹt pô, người lái xe vừa lạng lách đánh võng qua hàng loạt ô tô phía trước rồi phút chốc mất dạng giữa làn xe dày đặc. Tương tự, ông Phương (Thượng Thanh - Long Biên) cho biết, kể từ khi cầu Đông Trù được hoàn thành và đường nối từ quốc lộ 5 qua huyện Đông Anh được nâng cấp thoáng, rộng, thì tuyến đường này liên tục xuất hiện những đoàn xe mô tô PKL với hình dáng to đùng trông rất “ngầu”, chạy rầm rập với tốc độ cao, khiến người đi đường vừa giật mình, vừa lo ngại.
Số lượng xe phân khối lớn tăng mạnh nảy sinh nhiều bất cập cho giao thông đô thị. |
Có thể nói, việc sở hữu một chiếc xe PKL là thú chơi của nhiều người và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, với thực trạng giao thông đô thị và ý thức của nhiều người đi xe PKL chưa tuân thủ quy định pháp luật như hiện nay đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ hơn với vấn đề này.
Theo thống kê, sau khi Bộ Giao thông - Vận tải ban hành Thông tư 38/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 bãi bỏ quy định hạn chế đối tượng được thi và cấp GPLX hạng A2, lượng người thi và được cấp bằng lái xe PKL tăng lên nhanh chóng, tỷ lệ thuận với số lượng xe PKL được lưu hành. Nắm bắt cơ hội này, các hãng sản xuất, nhà phân phối cũng đẩy mạnh cung cấp ra thị trường xe côn tay, xe mô tô PKL giá bình dân. Như thương hiệu Việt Visitor với Phoenix 125, Bioss 175 hay Helios 175; Hãng Yamaha và Suzuki với EN-150, GZ-150A, FZ-150i… với mức giá chỉ tương đương một chiếc xe tay ga. Số lượng xe PKL tăng mạnh thời gian qua đang nảy sinh nhiều bất cập cho giao thông đô thị, môi trường và sự an toàn của người tham gia giao thông.
Hơn nữa, nhiều dòng xe PKL thực sự chưa tương đồng với người điều khiển ở Việt Nam. Đa số xe PKL được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho người có chiều cao trên 1,75m. Trong khi hình ảnh thường thấy trên đường phố là những biker vóc dáng rất “khiêm tốn” nhưng “cưỡi” trên những chiếc xe to đùng, có trọng lượng lên tới vài tạ. Nguy cơ mất an toàn rất cao.
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT - Công an Hà Nội) cho biết: Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát phát hiện nhiều xe mô tô PKL không rõ nguồn gốc. Trong đó, có cả trường hợp sử dụng xe PKL mang BKS “xanh” giả của Công an phường Hàng Kênh (Hải Phòng) lưu thông trên đường. Ngoài ra, nhiều chuyên gia trong ngành GTVT cho rằng, công tác sát hạch, đào tạo lái xe hạng A2 hiện chưa phù hợp với thực tế giao thông đô thị tại Việt Nam. Phần lớn các tuyến đường, đặc biệt đường nội đô, không đáp ứng được yêu cầu cho việc lưu thông của xe PKL.
Thực tế là tình trạng người đi xe PKL không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách trên đường, rồ ga, nẹt pô tạo tiếng ồn lớn, gây nguy hiểm cho các phương tiện cùng tham gia giao thông. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn việc quản lý, xử phạt nặng các trường hợp đi quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, gây ồn; thu hồi xe đối với những trường hợp sử dụng xe không rõ nguồn gốc, không có GPLX, treo biển giả… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật ATGT để mỗi người lái xe PKL có ý thức chấp hành pháp luật.