Từ 15/11/2024, người dân không được giám sát ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT. |
Các hình thức giám sát của nhân dân với Cảnh sát giao thông kể từ 15/11/2024
Từ 15/11/2024, quy định mới về hình thức giám sát của nhân dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, theo Thông tư 46/2024 được ban hành bởi Bộ Công an, chính thức có hiệu lực.
Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, Điều 11 về hình thức giám sát của nhân dân quy định nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:
+ Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
+ Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;
+ Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
+ Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Như vậy, so với Thông tư số 67/2019/TT-BCA thì Thông tư 46/2024/TT-BCA không còn hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Vì sao bỏ mục giám sát ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT trong thông tư?
Theo Bộ Công an, thực tế việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông. Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Người dân vẫn có thể giám sát CSGT bằng cách liên hệ đường dây nóng. |
Việc giám sát của nhân dân không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ
Thông tư 46/2024/TT-BCA nêu rõ việc giám sát của nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;
+ Không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
+ Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 về trách nhiệm của Nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: Thông báo cho cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham giao giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh Công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông khác.
Việc giám sát ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT không phạm luật
Việc giám sát bằng ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT trước đây vốn không được quy định cụ thể và chỉ được đưa vào trong Thông tư của Bộ Công an từ 2019. Đến nay, mục này lại được bỏ ra. Xét theo quy định của Hiến pháp hiện hành, người dân được làm những gì luật pháp không cấm, do vậy việc giám sát CSGT bằng các hình thức trên vẫn có thể tiến hành, nhưng phải theo quy định đã nêu bên trên.
Trong một bài trả lời báo Dân trí, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, khẳng định: "Người dân có quyền quay phim, chụp ảnh giám sát lực lượng CSGT nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật, không được thực hiện việc đó ở khu vực đã có quy định cấm quay phim, chụp ảnh, không gây ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CSGT. Người dân không được lợi dụng việc giám sát để làm những việc trái pháp luật vì có thể bị xem xét xử lý hình sự. Điều này, Thông tư 46 cũng đã có quy định nêu rõ rồi".
Phương Huyền