Từ lúc được trưng bày ở trung tâm thương mại tại Vinhomes Ocean Park Hà Nội, chiếc xe bán tải điện VinFast VF Wild đã thu hút rất nhiều người đến xem trực tiếp, sau khi gây ấn tượng mạnh tại những lần triển lãm ở nước ngoài.
Đa số những lời ca ngợi chiếc bán tải điện VinFast VF Wild là về thiết kế cực kỳ bắt mắt và có nhiều chi tiết thể hiện sự khác biệt, cao cấp hơn hẳn quan niệm thông thường về một mẫu xe vốn ưu tiên cho việc chở hàng. Nếu soi vào chi tiết chiếc xe này, ta có thể thấy được nhiều thông tin thú vị, qua đó có thể dự đoán phần nào định hướng mà VinFast gửi gắm trên chiếc xe này.
Đầu xe VinFast VF Wild được thiết kế vuông vức, tạo cảm giác khỏe khoắn, hầm hố. Điểm nhấn ở phần đầu xe vẫn là dải đèn LED hình cánh chim quen thuộc của VinFast chạy ngang đầu xe, kèm theo hai đèn nhỏ phía dưới. Thiết kế này rất đẹp mắt, nhưng khả năng chiếu sáng của cụm đèn này khiến khách hàng thực sự phải đặt dấu chấm hỏi. Cụm đèn này sẽ chiếu sáng như thế nào, hoạt động ra sao. Chưa kể bản trưng bày tại Ocean Park chưa có đèn thật, chỉ ở dạng giả lập hình dáng, nên càng khó đoán hơn.
Phần ca-pô có một cụm vuông vắn nổi gồ lên. Nhiều người cho rằng về sau thiết kế này cho phép tạo ra cốp để đồ lớn hơn phía trước. Tuy nhiên, có thể đây chỉ là thiết kế cho đẹp mắt ở bản concept mà thôi.
Phần đuôi xe VinFast VF Wild cũng có điểm nhấn là dải đèn LED màu đỏ hình cánh chim chạy ngang. Bên cạnh đó, đuôi xe còn nổi bật với phần bậc phía sau. Hai bên hông có hốc để chân, giúp người dùng có thể dễ dàng đặt chân và trèo lên thùng xe.
Thân xe cũng là điểm khiến nhiều khách hàng chú ý. Bởi các mẫu xe bán tải thường cần nhiều cột để cứng cáp, nhưng VF Wild lại gây ngạc nhiên khi không có cột B. Hai cửa xe mở ra trước và sau, theo phong cách "suicide door".
Thứ mà chúng tôi tìm mãi không thấy là tay nắm cửa của xe. Không có tay nắm chìm nổi gì, cũng không có nút bấm nào để mở cửa. Trên thực tế, các cánh cửa chưa có chốt và để mở ra có lẽ sẽ phải lựa vào các khe mép cửa. Không rõ liệu nhà sản xuất có định trang bị tay nắm chìm cho xe, giống với VF 9 và VF 7 hay không. Nếu có, đây sẽ là chiếc bán tải đầu tiên trên thế giới sử dụng kiểu tay nắm này.
Nhiều khách hàng chú ý tới phần trần xe bằng kính được nối dài từ kính chắn gió. Thiết kế này mang đậm chất tương lai và rất bắt mắt nhưng khó có thể xuất hiện trong bản thương mại. Vì như đã nói, xe không có cột B nên phần nóc xe sẽ không đủ cứng để bảo vệ hành khách khi xảy ra tai nạn và cũng sẽ khiến chiếc xe chịu lực vặn xoắn kém khi đi trên các cung đường xấu. Hơn nữa, thiết kế này sẽ khiến khoang ca-bin của xe rất nóng và nắng vào mùa hè.
Gương chiếu hậu dạng camera là một trong các chi tiết khiến nhiều khách hàng tò mò nhất. Cách vận hành của bộ phận này chính là mọi hình ảnh sẽ được thu lại qua chiếc camera nằm ở vị trí gương ngoài. Sau đó, các thông tin, hình ảnh sẽ được hiển thị vào màn hình nhỏ nằm bên trong xe, đặt ngay chân ở cột A. Như vậy, thay vì phải nhìn gương theo cách truyền thống, người lái VF Wild sẽ nhìn vào màn hình để quan sát.
Gương chiếu hậu dạng camera sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như: tối ưu về động lực học, cho tầm nhìn tốt hơn. Trang bị này cũng giúp tài xế linh hoạt khi sử dụng vì đây là công nghệ kỹ thuật số, có thể điều chỉnh dễ dàng theo từng điều kiện thời tiết như trời tối, sương mù hay mưa bão,...
Tuy nhiên, đại đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chưa cho phép dùng camera thay gương ngoài truyền thống. Do vậy sẽ khó tìm thấy chi tiết này một khi chiếc xe được đưa vào sản xuất trong khoảng 2-3 năm tới.
Thiết kế mâm bánh xe lạ mắt, cầu kỳ và giúp mẫu bán tải điện càng trở nên thu hút hơn. VF Wild bản trưng bày được lắp lốp 305/45 R22, dạng tubeless (không săm). Cỡ lốp tới 22 inch biến VF Wild thành mẫu xe có kích thước lốp lớn nhất trong dải xe điện VinFast. Đây cũng là cỡ lốp mà các hãng xe không dùng với bán tải. Tuy nhiên, xe lên lốp cỡ này thì đẹp và dẫu sao, đây vẫn chỉ là chiếc concept nên yếu tố bắt mắt sẽ được ưu tiên.
Đây là lốp Radar Renegade, có giá ở nước ngoài khoảng 10 triệu đồng/lốp. Theo giới thiệu, bộ lốp này cũng sẽ giúp xe hoạt động tốt ở những địa hình phức tạp như đường đồi núi, sỏi đá gập ghềnh,... Bên cạnh đó, qua thông số 118S trên lốp xe, có thể suy ra biết tải trọng xe là 1.320 kg, tốc độ tối đa là 180 km/h. Với tải trọng này, VF Wild sẽ được xếp loại bán tải (pickup) và chịu các quy định về đăng kiểm cũng như niên hạn sử dụng khác với xe con. Tất nhiên, đây cũng vẫn chỉ là bản concept nên sẽ có nhiều thay đổi khi xe được đưa vào sản xuất.
Lốp xe VF Wild cũng được đánh dấu XL (Extra Load) - lốp gia cường. Đây là loại lốp xe đã được gia cố để tăng khả năng chịu tải cao hơn so với lốp xe thông thường có cùng kích cỡ.
Xe có chiều dài tổng thể 5.324 mm và chiều rộng 1.997 mm, tương đồng với các xe bán tải cỡ trung như Ford Ranger, Toyota Hilux. Thùng xe phía sau có kích thước 1.524 mm, thiết kế sàn phẳng, vuông vức để tăng không gian chở hàng. Ngoài ra, thông qua tính năng gập tự động của kính chắn gió và hàng ghế sau, giúp chiều dài khoang chở đồ có thể tăng từ 1.524 mm đến 2.438 mm. Thiết kế độc lạ này từng có trên một vài mẫu bán tải ý tưởng khác, nhưng chưa bao giờ xuất hiện ở các xe bán ra thị trường.
Khoang nội thất mẫu bán tải điện VinFast VF Wild cũng được đánh giá cao bởi thiết kế hiện đại, bắt mắt. Đáng chú ý nhất là hai màn hình được lắp trên lưng ghế trước để phục vụ nhu cầu giải trí của người ngồi hàng ghế sau, điều ít được chú trọng ở các mẫu xe bán tải khác.
Xe có hai động cơ lắp ở trước và sau. Với thiết kế này, chiếc xe coi như được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian (trong số các bán tải tại Việt Nam chỉ chiếc Raptor được trang bị tính năng đương đương), nhưng loại bỏ được cơ cấu dẫn động cơ khí. Cầu sau của xe là cầu mềm, hệ thống treo độc lập đa liên kết. Chi tiết này đắt tiền và so với việc sử dụng cầu cứng, khả năng chịu tải sẽ phần nào thua kém.
Như đã nói, hãng xe Việt chưa xác nhận về việc có thương mại hóa mẫu xe này hay không. Nếu có, thì với những trang bị hiện tại, đây sẽ là chiếc xe bán tải hạng sang, vượt trội nhiều mẫu SUV cao cấp trên thị trường.
Tùng Thiện - Phan Linh