Tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM khóa IX diễn ra sáng nay (4/7), UBND TPHCM đã có tổng cộng 11 tờ trình gửi đến kỳ họp, trong đó đáng chú ý là tờ trình "miễn phí đi xe buýt đối với người từ 70 tuổi trở lên".
Thống kê của UBND TPHCM cho thấy, hiện nay "Hòn ngọc Viễn Đông" có khoảng 453.992 người cao tuổi (đủ 60 tuổi trở lên) trong đó có khoảng 200.000 người từ 70 tuổi trở lên; người 75 tuổi trở lên đa số sức khỏe yếu, hạn chế đi lại… Vì vậy, tỷ lệ người cao tuổi đặc biệt từ 75 tuổi trở lên tham gia đi xe buýt còn rất ít.
Tổng kinh phí trợ giá cho hoạt động xe buýt đã được UBND TP HCM duyệt giao năm 2016 là 1.150 tỷ đồng, thực hiện thanh quyết toán là 917 tỷ đồng, năm 2017 phê duyệt giao là 1.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng là 876 tỷ đồng.
Tỷ lệ người cao tuổi đặc biệt từ 75 tuổi trở lên tham gia đi xe buýt còn rất ít. |
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, qua thời gian triển khai thực hiện, đánh giá cho thấy, số lượng hành khách sử dụng xe buýt đi lại trung bình gần 1 triệu lượt hành khách/ngày. Tuy nhiên, số lượng hành khách thuộc đối tượng miễn phí (bao gồm người khuyết tật, trẻ em cao dưới 1,3 mét và người cao tuổi) trên các tuyến xe buýt trợ giá chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lượng vận chuyển.
Hiện Sở Giao thông Vận tải TP HCM chưa tách riêng số lượng theo từng nhóm đối tượng, tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, số lượng người cao tuổi đi xe buýt chiếm tỷ lệ thấp nhất trong nhóm đối tượng được miễn phí. Do đó, việc miễn phí cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên khi tham gia giao thông công cộng bằng phương tiện xe buýt chưa khả thi và chưa phù hợp mà cần mở rộng bằng cách giảm độ tuổi người được đi xe buýt miễn phí từ 75 xuống còn 70 tuổi.
Đồng tình với quan điểm trên, UBND TP HCM cũng cho rằng, việc mở rộng đối tượng miễn phí xe buýt trên địa bàn thành phố cho người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên sẽ tăng số lượng người cao tuổi tham gia. Do số lượng đối tượng được miễn phí không lớn nên sẽ không ảnh hưởng đến chính sách trợ giá cho hoạt động xe buýt.
Mặc dù UBND TP HCM đã có nhiều đầu tư cho hoạt động giao thông công cộng, nhất là xe buýt, tuy nhiên, thực tế, người dân vẫn không "mặn mà". Theo phản ánh của cử tri quận Bình Thạnh, tình trạng bán thuốc trên xe buýt, vừa bán vừa doạ dẫm hành khách rất phản cảm, gây bất bình.
Sở Giao thông Vận tải thừa nhận có tình trạng bán thuốc kiểu ép mua ở trên xe buýt. Nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên các tuyến xe buýt và các bến xe là điểm đầu cuối của các tuyến xe buýt, UBND TP HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải và Phòng cảnh sát hình sự (PC 45) kiểm tra xử lý. Đến nay, hiện tượng trên không còn phổ biến.
Cũng liên quan đến phương tiện công cộng, cử tri quận Tân Bình cho rằng, TP HCM đầu tư xe buýt hiện đại là không phù hợp với thực tế hạ tầng cơ sở của thành phố vì đa số đường hẻm nhỏ, trạm xe buýt xa khu vực dân cư nên không thuận tiện việc đón xe.
Trong khi đó, cử tri huyện Củ Chi kiến nghị cần mở tuyến xe buýt chạy từ Phú Mỹ Hưng đi ngang qua Sa Nhỏ, Đồng Lớn xuống bến xe Củ Chi để thuận lợi cho việc đi lại của người dân sinh sống ở khu vực này.