>> Vì sao ô tô không thiết kế phanh chân trái ga chân phải?
McLaren F1 là chiếc siêu xe với vô-lăng và ghế lái đặt giữa một cách đặc biệt. |
Tại sao vô-lăng ô tô không đặt giữa ca-bin xe là một câu hỏi rất thú vị. Chiếc xe được coi là ô tô đầu tiên trên thế giới – Benz Patent Motor Car – có thiết kế như thế. Bạn sẽ bảo đó chỉ là xe 3 bánh. Nhưng không chỉ có thế. Bản propotype của chiếc Land Rover đầu tiên cũng có ghế đặt giữa. Rồi chiếc siêu xe McLaren F1 huyền thoại hay mới hơn là chiếc Semi truck của Tesla. Thậm chí, Audi còn đi xa hơn với chiếc concept PB18: Tài xế có thể chọn giữa việc ngồi lái chính giữa hoặc lệch sang trái để có thêm ghế phụ.
Vậy tại sao hầu như toàn bộ xe hơi đang vận hành trên thế giới lại chỉ có vô-lăng (đúng hơn là vị trí dành cho người lái) đặt lệch một bên, trái hoặc phải? Có 3 lý do chính. Đầu tiên là ergonomic, tiếp đến là về mặt kỹ thuật và cuối cùng là vận hành thực tế.
Ergonomic là thuật ngữ ít được đề cập trong các tài liệu giới thiệu xe hơi nhưng lại là yếu tố nằm lòng của các nhà thiết kế. Thuật ngữ này được dịch là công thái học. Nghe khó hiểu nhưng đơn giản đây là bộ môn khoa học nghiên cứu sao cho tạo sản phẩm khi sử dụng phải thân thiện, đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người dùng, thậm chí giúp phát huy khả năng của họ. Ghế ngồi có hõm đỡ lưng thoải mái chính là ergonomic. Khung vô-lăng vừa tay lòng bàn tay người lái là ergonomic.
Sơ đồ mô phỏng thuật ngữ Ergonomic. |
Cũng như thế, ra vào xe một cách thuận tiện là ergonomic. Một chiếc xe ghế ở giữa sẽ gây nhiều bất tiện. Người ta có thể chấp nhận đôi chút phiền toái khi đó là một chiếc siêu xe, nhưng không phải một chiếc xe để đi lại hằng ngày. Hơn nữa, ghế lái đặt giữa sẽ lấy mất không gian của ghế phụ. Ví dụ như chiếc McLaren F1, chỉ có 3 chỗ ngồi.
Về mặt kỹ thuật, ở thời kỳ đầu những năm 1900, tiêu thụ ô tô bắt đầu bùng nổ. Việc đặt ghế lái ở giữa là nhiệm vụ hầu như bất khả thi với các kỹ sư ô tô khi phải giải quyết không gian cho động cơ, hộp số.
Cuối cùng, về mặt vận hành, vô-lăng lệch sang một bên, trái hoặc phải, tạo ra sự thuận tiện và an toàn khi tham gia giao thông. Vô-lăng đặt giữa chỉ phù hợp với xe chạy track (xe đua), không phải lo về các phương tiện ngược chiều. Còn khi đã ra đường, người lái phải nhìn cả phía trước lẫn phía sau, bao quát cả hai bên trái và phải. Nếu ghế đặt giữa, sẽ rất khó cho lái xe quan sát phía sau qua gương bên trong.
Những quốc gia tham gia giao thông bên phải xe ô tô sẽ có vô-lăng đặt bên trái. |
Để định vị trí lái phù hợp, người ta chia con đường ra thành phía bên lề (kerbside) và phía ngược lại (offside, gần với dải phân cách ngăn 2 chiều đường). Hay nói cách khác là làn trong và làn ngoài. Đây là điểm chủ yếu để tính toán bên an toàn và không an toàn của chiếc xe khi đón và trả khách hay hàng hoá.
Theo đó, ở những quốc gia tham gia giao thông bên phải xe ô tô sẽ có vô-lăng đặt bên trái (tay lái thuận) và ngược lại ở những quốc gia tham gia giao thông bên trái xe ô tô sẽ có vô-lăng đặt bên phải (tay lái nghịch). Mục đích là đảm bảo người lái có tầm quan sát xa nhất về phía trước, đặc biệt trong trường hợp cần vượt. Cứ thử hình dung, nếu vô-lăng bên phải, trong trường cần vượt mấy bác tài ở Việt Nam hẳn chịu chết.
Những quốc gia tham gia giao thông bên trái xe ô tô sẽ có vô-lăng đặt bên phải. |
Như đã nói, trên nhiều mẫu xe ô tô thời kỳ đầu, vị trí người lái được đặt ở giữa xe. Một vài nhà sản xuất sau đó dựa trên phản hồi thực tế bắt đầu chuyển ghế lái sang phía gần với trung tâm đường để người lái có thể quan sát xa nhất. Một số lại chuyển sang phía gần lề đường với biện luận rằng như thế mới đỡ quệt vào tường hay hàng rào. Tuy nhiên, cùng với thời gian, số xe kiểu này cũng đã dần bị loại bỏ.
Ngay cả khi giải quyết được các vấn đề trên, các nhà sản xuất hẳn vẫn không sẵn lòng sản xuất ra những chiếc xe tay lái giữa. Bởi lúc đó muốn chở thêm hành khách ở hàng ghế đầu họ sẽ phải nới rộng các xe. Chưa kể sau cả trăm năm phát triển, mọi thứ đều đang được tối ưu cho thiết kế vô-lăng lệch một bên. Công nghệ chiếu sáng thích ứng (adaptive headlight) ưu tiên chiếu bên phía người lái. Các buồng thu phí giao thông nằm bên thuận cho người lái. Thói quen là thứ khó vượt qua nhất, chưa kể chi phí sản xuất sẽ tăng đến mức không đáng để đánh đổi.
Vậy nên, trừ trường hợp có những cách mạng trong công nghệ, những chiếc xe với tay lái một bên sẽ vẫn là giải pháp tối ưu.
Thu Huyền