Từ 1/8: Quy định cụ thể thời gian phải bật đèn xe Đèn xe và văn hóa “vặt vãnh” Xe gặp sự cố đèn ban đêm có vi phạm không? |
Thành viên Minh Hai Tran của diễn đàn Otofun.net đã chia sẻ đoạn video clip ghi lại cảnh 2 chiếc ô tô di chuyển ngược chiều và cùng bật đèn pha khi đang đi trong phố.
Theo hình ảnh từ camera hành trình cung cấp, sự việc xảy ra vào khoảng 8 giờ 37 phút, tối ngày 12/6/2018. Khi nhận ra tình huống, một trong hai tài xế đã lập tức hạ đèn cốt tránh gây cản trở tầm nhìn của đối phương. Tuy nhiên tài xế lái chiếc xe bán tải ở phía đối diện vẫn không ngừng nháy đèn pha.
Ngay sau khi video clip được đăng lên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo thành viên. Đa số cho rằng bật đèn pha, nháy đèn pha khi lưu thông trong các tuyến phố là hành vi nguy hiểm, gây cản trở tầm nhìn và dễ dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.
Tài xế ô tô nên sử dụng đèn pha/cốt như thế nào?
Tất cả các ô tô đều được trang bị hệ thống đèn, bao gồm: Đèn cốt (đèn chiếu gần) và đèn pha (đèn chiếu xa). Trong đó, đèn cốt có góc chiếu thấp, giúp tài xế ô tô quan sát tình trạng mặt đường và các vật cản trong phạm vi gần ở phía trước. Đèn cốt được khuyên sử dụng khi tài xế lái xe di chuyển trong các khu đô thị, khu dân cư hoặc trong các tình huống di chuyển thông thường, khi xe chạy với tốc độ chậm. Trong trường hợp xe di chuyển trên đường cao tốc hoặc tài xế ô tô muốn quan sát các biển báo, chướng ngại phía trước thì có thể sử dụng đèn pha. Đèn này giúp tài xế quan sát tốt hơn vì cường độ ánh sáng và tầm nhìn xa hơn.
Hiện nay, theo điểm g khoản 3 điều 5 nghị định 171/2013/NĐ-CP, tài xế sử dụng đèn chiếu xa khi đi trong phố có thể bị lực lượng chức năng phạt từ 600.000 - 800.000 VNĐ. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa việc sử dụng đèn pha/cốt đúng cách còn là cách thể hiện ý thức, sự tôn trọng và giúp mỗi chúng ta đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cho những người xung quanh.
Thu Hằng