Tôi nhớ những ngày thơ ấu của mình nơi đô thị. Trong cái thị xã khá lớn ấy, mẹ tôi tần tảo với gánh xôi nuôi anh em chúng tôi một cách chật vật. Ba là tư chức mất việc, sáng sáng ngồi cà phê với nhóm bạn. Tiền eo hẹp nên không dám uống ly “xây chừng”, chỉ mím môi với cái “lưng chừng”. Xây chừng là tên tiếng Quảng Đông gọi ly cà phê đen nóng lớn. Còn lưng chừng là tên tiếng Việt gọi châm biếm một nửa ly cà phê đen nóng, dành cho người ít tiền. Ba cùng các bạn vừa nhấm nháp cà phê vừa tính chuyện kiếm sống. Rồi cũng ra. Đó là chạy xe đạp ôm.
Xe đạp ôm một thời để nhớ. Ảnh:T.L |
Không biết cái nghề này có từ bao giờ, nhưng thời điểm đó khá phát triển. Nhà có cái xe đạp đầm, ba gắn cây gỗ nằm ngang sườn xe, mua tấm nệm gắn yên sau để khách ngồi êm. Vậy là ba bắt đầu kiếm tiền bằng chiếc xe đạp, gia tài coi như lớn nhất của gia đình. Cái nón rộng vành trên đầu, áo quần cũ, ba gò lưng đạp xe qua các ngả đường kiếm khách. Hễ thấy ai đứng bên vỉa hè mắt nhìn qua nhìn lại là cất tiếng mời. Người già thì ông hoặc bà. Đàn bà luống tuổi thì cô. Còn các cô gái trẻ thì em hoặc cháu. Chỉ riêng cánh đàn ông thì phải gọi một cách thân mật. Cùng lứa tuổi thì đại ca, huynh đài hoặc sư phụ.
Rong ruổi qua khắp phố phường tới trưa về nhà, áo quần ba mướt mồ hôi. Nhưng nét mặt sạm đen của ba rạng rỡ với nụ cười luôn ẩn hiện. Ba sung sướng vì với công sức cực nhọc của mình mà gia đình có thêm đồng vô đồng ra.
Đạp xe ôm khoảng vài năm thì ba nghỉ nhờ kiếm được việc làm có thu nhập tương đối mà không cực khổ như thời gian qua. Đó cũng là lúc xã hội phát triển, người ta đi xe gắn máy ôm, taxi cho lẹ. Rồi xe đạp ôm cũng chấm dứt thời “hoàng kim” của mình không biết vào lúc nào.