
Độc giả Quốc Đạt (Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) hỏi: Tôi điều khiển xe máy đến ngã tư có tín hiệu đèn đỏ và vạch phân 3 làn đường. Vì làn đường ở giữa dành cho phương tiện đi thẳng quá đông, xếp hàng dài nên tôi và nhiều phương tiện nữa đã đi sang làn đường bên phải để đứng chờ đèn tín hiệu. Khi di chuyển thẳng, tôi bị CSGT giữ lại với lỗi đi sai làn đường, làn đường bên phải dành cho phương tiện rẽ phải khi có đèn đỏ. Vậy CSGT bắt lỗi tôi là đúng hay sai? Nếu sai tôi sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật GTĐB quy định người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Theo đó, khi điều khiển xe, bạn phải đi và dừng đúng làn đường theo quy định. Khi đứng chờ tín hiệu đèn, bạn muốn đi thẳng thì phải đứng đúng làn đường đi thẳng, việc bạn đi sang làn khác đứng chờ là đã đi sai làn đường. Theo quy định tại Điểm g, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì bạn có thể bị phạt từ 200.000 - 400.000 đồng do điều khiển xe không đúng làn đường quy định. Trên đây là một số ý kiến pháp lý để bạn tham khảo và nhận định đúng về việc vi phạm giao thông của mình.
Nguồn: Công ty Luật TNHH Huy Thành - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Độc giả Trần Ngọc Trung (Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) hỏi: Xe ô tô tải của tôi là loại 3 chân chở hàng từ Hải Dương về Hà Nội lưu thông theo QL5, địa điểm trả hàng ở quận Thanh Xuân. Xin hỏi, tôi phải đến đâu để xin cấp giấy phép vào phố cấm?
Trả lời: Nhằm hạn chế một số phương tiện vào khu vực nội đô, đảm bảo an toàn và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND, quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Khi bạn lái xe ô tô tải lưu thông từ các tỉnh về Hà Nội, để đảm bảo thuận tiện cho việc trả hàng, bạn hãy đến Đội CSGT trên các tuyến quốc lộ để được hướng dẫn.
Cụ thể, ô tô tải của bạn lưu thông từ tỉnh Hải Dương về Hà Nội, muốn vào trả hàng ở quận Thanh Xuân thì bạn hãy tới Đội CSGT số 5 (thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xuất trình GPLX, giấy tờ phương tiện và trình bày nhu cầu vào tuyến phố nào để trả hàng thì cán bộ trực ban của đơn vị sẽ cấp giấy phép cho bạn vào nơi cần đến.
Theo đó, trên giấy phép được cấp sẽ ghi rõ tuyến đường và thời gian phương tiện bạn được phép đi. Trường hợp bạn điều khiển phương tiện đi không đúng tuyến và thời gian ghi trên giấy phép thì sẽ bị xử lý theo chế tài Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Độc giả Bùi Văn Toán (Huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) hỏi: Ô tô của tôi đang lưu thông trên đường thì bị CSGT tuýt còi dừng xe kiểm tra. Sau khi xuất trình GPLX, đăng ký xe, CSGT thông báo ô tô của tôi vi phạm chạy quá tốc độ trên 20km/h và lập biên bản. Vì tôi phải đi công tác xa, tôi muốn nhờ người đến giải quyết nộp phạt thay có được không. Nếu được, trước khi đến tôi phải làm thủ tục gì và lỗi vi phạm trên bị xử lý thế nào?
Trả lời: Luật GTĐB năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện lưu thông phải chấp hành biển báo hiệu, quy tắc giao thông trên đường bộ và phải đi đúng tốc độ quy định.
Với trường hợp nêu trên, bạn đã điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h đến 35km/h được quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 5 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng và kèm theo hình thức xử lý bổ sung tước GPLX một tháng. Nếu bạn bận đi công tác mà không thể đến trụ sở đội, trạm CSGT nơi xử lý vi phạm thì bạn có thể làm giấy ủy quyền cho người khác đến giải quyết xử lý vi phạm thay bạn và nhận lại GPLX cho mình.
Lưu ý, khi làm giấy ủy quyền phải có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn cư trú. Trong giấy ủy quyền cần ghi rõ số CMND của bạn và người được ủy quyền. Có đủ các loại giấy tờ trên, CSGT sẽ tiến hành giải quyết làm các thủ tục xử lý vi phạm trả lại giấy tờ xe cho người được ủy quyền theo quy định.
Trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)
Nguồn: giaothongvantai.com.vn